Động cơ của tỷ phú Elon Musk đằng sau bức thư gửi Twitter

Admin
Elon Musk đã nhiều lần gợi ý có thể hủy bỏ giao dịch mua lại Twitter, bức thư mới đây nêu rõ những từ ngữ trực tiếp nhất về mong muốn rút lui với lý lẽ pháp lý.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk mới đây đã gửi một bức thư cho Twitter cảnh báo có thể rút lại thỏa thuận mua lại toàn bộ mạng xã hội này. Trong thư, Elon Musk yêu cầu Twitter cung cấp thêm thông tin về số lượng tài khoản có thật trên nền tảng. Ông đã nhiều lần cho rằng Twitter có nhiều tài khoản spam và giả mạo hơn những gì mà họ công khai thừa nhận.

Twitter đã đề nghị cung cấp thông tin chi tiết hơn về các phương pháp kiểm tra của hãng bằng văn bản hoặc thông qua đối thoại với vị tỷ phú. Tuy nhiên, người sáng lập hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX yêu cầu Twitter cung cấp dữ liệu riêng tư để ông tự thực hiện kiểm tra, bày tỏ “không tin rằng các phương pháp kiểm tra lỏng lẻo của công ty là đầy đủ nên ông phải tiến hành phân tích riêng”.

Elon Musk cho biết có thể hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận mua lại Twitter nếu cảm thấy không hài lòng. Người đại diện của vị tỷ phú cho biết Elon Musk sẽ coi Twitter đang “tích cực chống lại và cản trở quyền thông tin của ông” trong trường hợp mạng xã hội này từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc từ chối cung cấp dữ liệu là “vi phạm nghiêm trọng rõ ràng đối với các nghĩa vụ của Twitter theo thỏa thuận sáp nhập”, do đó Elon Musk có quyền chấm dứt thỏa thuận.

Bức thư gửi đến Twitter hôm 6/6 và được đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) làm rõ nét hơn ý định của Elon Musk nhằm chấm dứt thương vụ mua lại khổng lồ. Sau khi đạt được thỏa thuận mua Twitter hồi tháng 4/2022, vị tỷ phú đã nhiều lần gợi ý có thể hủy bỏ giao dịch.

Bức thư mới đây đã nêu rõ những từ ngữ trực tiếp nhất về mong muốn rút lui với lý lẽ pháp lý. Nó làm tăng thêm sự không chắc chắn về việc liệu Elon Musk có hoàn thành thương vụ hay không.

Công nghệ - Động cơ của tỷ phú Elon Musk đằng sau bức thư gửi Twitter

Tỷ phú Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Ảnh: Getty Images.

Theo ghi nhận của hãng tin Independent, nhiều nhà phân tích nhận định rằng động cơ của ông Musk khi yêu cầu thêm thông tin về các tài khoản giả là nhằm từ bỏ thỏa thuận hoặc thương lượng giảm giá.

Ông Susannah Streeter, chuyên gia phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại công ty môi giới chứng khoán Hargreaves Lansdown (Anh), nhận định: “Đây là động thái mà các nhà đầu tư Twitter đã được rèn trong nhiều tuần qua, khi mà những suy nghĩ lộn xộn của Elon Musk thể hiện trong các dòng tweet được chuyển thành một lá thư chính thức gửi đến cơ quan quản lý".

Vào tháng trước, Elon Musk đã viết dòng tweet rằng “thỏa thuận không thể tiến triển” cho đến khi Twitter đưa ra “bằng chứng” rằng những tài khoản spam và giả mạo chỉ chiếm dưới 5% người dùng như công ty đã nhiều lần tuyên bố. Vị tỷ phú cũng đưa ra nhận xét tương tự tại một hội nghị ở thành phố Miami (Mỹ), cho thấy rằng ông có thể đang cố tạo ra cơ sở để thực hiện lại thỏa thuận.

Tuy nhiên, bức thư của ông Musk vào hôm 6/6 đã thể hiện một chiến lược mới. Thay vì chỉ đơn giản nói rằng không tin những con số của Twitter, các luật sư của Elon Musk cho biết trong bức thư rằng công ty đang vi phạm nghĩa vụ khi không cung cấp thông tin mà vị tỷ phú cho là quan trọng đối với thỏa thuận.

Kể từ lời đề nghị ban đầu mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk, một số công ty công nghệ bao gồm Twitter, SpaceX và Tesla đã đối mặt với những biến động trên thị trường chứng khoán khiến giá trị sụt giảm.

Cổ phiếu của Twitter đã giảm 1,5% vào hôm 6/6, đóng cửa ở mức 39,56 USD, thấp hơn nhiều so với mức 54,20 USD/cổ phiếu mà Elon Musk đưa ra khi thỏa thuận mua lại công ty.

Phạm Hà Thanh (theo Independent, Nytimes)