Để giảm những áp lực này trước thềm “vượt vũ môn”, TS Tô Nhi A, chuyên gia tâm lý cho rằng, tâm lý căng thẳng, áp lực trước một kỳ thi quan trọng là một hiện tượng hết sức bình thường.
Các thí sinh hãy đón nhận điều này một cách đơn giản và đừng cảm thấy quá lo âu hay có những suy nghĩ tiêu cực về điểm số. Cha mẹ chính là người bạn đồng hành, sát cánh cùng con trong mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, cách quan tâm của nhiều cha mẹ lại vô tình làm tăng thêm áp lực cho con em mình.
TS. Tô Nhi A cho rằng, cha mẹ đừng so sánh con mình với bất kỳ ai. Các bậc cha mẹ cần quan sát lịch học của con để nhắc nhở, đồng hành và tạo không gian học tập lý tưởng để con thoải mái ôn tập, dễ dàng tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, tạo cho con một tâm trạng thoải mái, thả lỏng tâm lý là việc vô cùng cần thiết thời gian này.
Để hiểu năng lực, hướng đi và mục tiêu phát triển tương lai của các con, cha mẹ nên dành thời gian để tâm sự, chia sẻ và lắng nghe các con nhiều hơn. Khi đã hiểu, thay vì so sánh thì hãy đề cao, động viên và ủng hộ mọi quyết định của các bạn. Hơn thế nữa, cha mẹ cũng nên đón nhận mọi kết quả cùng con dù điểm thi có không như mong muốn và cùng con tìm ra giải pháp cho con đường tương lai.
Bên cạnh việc quan tâm đến tinh thần của con, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp cho sĩ tử trong mùa thi cử cũng cần được cha mẹ chú trọng. Để con được cung cấp đủ năng lượng, cha mẹ chú ý trong các bữa ăn cần đảm bảo có 4 nhóm thực phẩm bao gồm: Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc, khoai lang, khoai tây, ngô), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Đồng thời, mỗi ngày, con nên uống đủ 2 lít nước, ăn thêm những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như: Cam, dưa hấu, dưa chuột… sẽ giúp con tỉnh táo hơn, tiếp thu bài học tốt hơn.
Cùng với đó, các sĩ tử cần được ngủ đủ giấc để tỉnh táo tăng hiệu quả học tập. Các em nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày; trưa nên nghỉ ngơi 20-30 phút; buổi tối nên học bài sớm và cố gắng ngủ trước lúc 23 giờ. Sau đó sáng dậy sớm để học bài sẽ tốt hơn là cố gắng thức quá khuya để học sẽ gây mệt mỏi cho cả ngày hôm sau. Cha mẹ cũng chú ý nhắc nhở con dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao nhằm cân bằng giữa hoạt động trí não và thể lực. Đồng thời, khi ngồi học từ 30-60 phút, con nên có những khoảng thư giãn nhỏ từ 5-10 phút để đầu óc được thư giãn, tránh để cơ thể quá căng thẳng. Cha mẹ có thể tận dụng thời gian nghỉ này để cùng con, nhắc con vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để giúp não nghỉ ngơi.