Đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới

Admin
Tận dụng, phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, một doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang tiến từng bước vững chắc đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới.

Bén duyên từ tâm huyết với mảnh đất quê hương

“Bao đời nay, cây rau má gần như nghiễm nhiên gắn liền với đời sống văn hóa con người xứ Thanh, bởi, cây rau má với sức sống mãnh liệt của mình luôn biết cách tồn tại, sinh trưởng và vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Từ 'bờ xôi, ruộng mật' tới những khóm đất khô cằn bìa rừng, tất thảy đều đều thấp thoáng hình bóng cây rau má ở xứ Thanh”.

Đó là những chia sẻ ban đầu của anh Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) về cây rau má xứ Thanh, tạo nền móng cho ý tưởng đưa cây rau má “hóa rồng” và Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP" tại huyện Quảng Xương.

Qua quá trình công tác, chứng kiến nhiều địa phương phát triển thành công mô hình trồng rau má thương phẩm, trong khi đó, xứ Thanh là vùng đất gắn liền với cây rau má bao đời nay lại chưa thể khai thác được thế mạnh này.

Xu hướng thị trường - Đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới

Vườn trồng rau má nguyên liệu của anh Tân.

Nhìn thấy được giá trị từ cây ra má, anh Tân đã quyết tâm, xác định tư tưởng phát triển cây rau má làm chủ đạo trong dự án nông nghiệp công nghệ cao của mình.

“Trước đây tôi làm mảng nội thất nhôm kính, sàn gỗ với thu nhập tốt. Tuy nhiên, sau 2 chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi đã quyết định chuyển hướng đi cho nghề nghiệp của mình sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tôi đã đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa. Sau đó, tôi đã tìm chọn ra được 2 loại là rau má trắng và rau má tía, với nhiều tiềm năng, lợi thế hơn các giống ngoại nhập. Tuy nhiên, chỉ được nông dân dùng để làm thức ăn, nước uống giản đơn, chưa khai thác hết giá trị tiềm năng" - anh Tân cho biết.

Tiến từng bước vững chắc, Dự án Xây dưng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Rau má xứ Thanh" đã ra đời từ những nỗ lực, tâm huyết và sự quyết tâm của anh Tân. Theo anh Tân, dự án ra đời như sự đảm bảo để thương hiệu "Rau má xứ Thanh" vững tâm hơn khi bước ra thị trường mà không bị nhầm lần hay giả mạo.

Năm 2020, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã phát triển trang trại rau má bản địa tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương). Nơi này đóng vai trò như “phòng thí nghiệm”, giúp nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa là nơi để nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ.

Xu hướng thị trường - Đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới (Hình 2).

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng thăm, kiểm tra các công đoạn chế biến rau má xuất khẩu.

Tới thời điểm hiện tại, Công ty quy tập được vùng trồng rau má thâm canh, với diện tích lên tới hàng trăm héc-ta, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con trên chính mảnh đất quê hương. Nhằm tạo sự gắn kết bền vững, công ty đã liên kết với nhiều địa phương, đơn vị để chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất rau má, bao tiêu sản phẩm co người dân tại các huyện Cẩm Thủy, Lang chánh, Triệu Sơn, Như Thanh... với diện tích lên tới gần 100 héc-ta. Ngoài ra, Công ty còn trồng, sản xuất và phát triển ra nhiều các sản phẩm từ các loại rau, củ, quả khác...

Theo anh Tân, với 10-11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất rau má có thể đạt từ 45-50 tấn/héc-ta, trừ tất cả các chi phí, nông dân sẽ có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/héc-ta/năm.

"Việc này sẽ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời, cũng giúp người dân có thu nhập ổn định, làm giàu trên chính quê hương của mình" - anh Tân kỳ vọng.

Đưa rau má xứ Thanh vươn ra thế giới

Xác định chiến lược lâu dài, bài bản, vì vậy, ngay từ đầu anh Tân đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào quá trình sản xuất, với các quy trình canh tác, sản xuất hiện đại theo mô hình của Israel, Nhật Bản đã cho năng suất vượt trội so với các mô hình thông thường.

Rau má tại công ty của anh Tân được chế biến và sản xuất trên dây chuyền, công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Nhật Bản, với năng suất chế biến 1 tấn rau má tươi/ngày.

Trong đó, các sản phẩm tiêu biểu chế biến từ rau má mà công ty đang cung ứng ra thị trường bao gồm: Bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi… được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Xu hướng thị trường - Đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới (Hình 3).

Các sản phẩm đóng gói được chế biến từ rau má.

Tiếp nối thành công đó, đã có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, tìm đến đặt hàng đối với các sản phẩm của công ty như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 1.500-2.000 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.

"Ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, chúng tôi đang có chiến lước phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ rau má xứ Thanh vươn ra các thị trường nước ngoài khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi" - anh Tân cho biết.

Với những thành công bước đầu, anh Tân đang xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025, anh sẽ mở rộng, kết hợp với nông dân, hợp tác xã tại nhiều địa phương tăng vùng nguyên liệu lên từ 300-500 héc-ta. Từ đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho công ty và bán cho các đối tác nước ngoài.

Trong năm 2021, doanh thu Công ty đạt 12 tỷ đồng, dự kiến, trong năm 2022 ước đạt 25 tỷ đồng khi các đơn hàng với các đối tác nước ngoài được thực hiện.

Thanh Hóa rất quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong năm mới 2022, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tới thăm quan và động viên dự án, mong muốn phát triển nâng tầm cây rau má thành thế mạnh thực sự trong nông nghiệp của xứ Thanh.

Theo đó, Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc ra mắt các sản phẩm từ rau má của Công ty Phong Cách Mới chính là quả ngọt cho những nỗ lực cố gắng không ngơi nghỉ của đội ngũ lãnh đạo và người lao động công ty, trong bối cảnh đối diện nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 thời gian qua.

Xu hướng thị trường - Đưa cây rau má xứ Thanh vươn ra thế giới (Hình 4).

Khu vực trồng rau sạch công nghệ cao tiêu chuẩn VietGap của anh Tân.

Tiếp tục giữ vững thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện có, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư vào khoa học - kỹ thuật, cải tiến quy trình và các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng, từng bước củng cố và khẳng định vững chắc vị trí, thương hiệu của Công ty.

Đồng thời, những sản phẩm chế biến từ rau má - "sâm của người xứ Thanh" - không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh, thương hiệu địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định, tỉnh luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, để góp phần vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Việt Phương