F0 khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm trong thời gian ngắn

Hoàng Huyền
Những ngày qua, Hà Nội liên tục ghi nhận trên 30.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Đáng nói nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng F0 đã khỏi bệnh thì cơ thể đã miễn dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.

Từng mắc Covid-19 không hẳn đã... “an toàn”

Ngày 15/2 bạn L.N.V (SN 2002) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 lần đầu tiên với triệu trứng sốt nhẹ, đau mỏi người, ho, mất khứu giác. Sau 6 ngày tự cách ly, điều trị tại nhà, V test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, đến ngày 7/3, V lại thấy có cảm giác đau họng, đau mỏi vai gáy, test nhanh tiếp tục cho kết quả dương tính. Dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin, lần mắc Covid-19 sau triệu chứng nhẹ hơn lần đầu nhưng việc tái dương tính chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần khiến V thật sự lo lắng.

Liên quan tới thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Cần có nghiên cứu cụ thể xem những trường hợp dương tính lại sau một thời gian từng mắc Covid-19 là vì lý do gì, và để khẳng định việc tái nhiễm là do đâu...

Bởi lẽ, sau khi khỏi, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không tiêm vắc-xin hoặc đã từng mắc Covid-19 nhưng cơ thể không sinh miễn dịch, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu, sau một khoảng thời gian sẽ suy yếu và mất đi; hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước chủng mới nên người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.

Ngoài ra, người đã tiêm đầy đủ liều vắc-xin vẫn có thể mắc Covid-19, nghĩa là bị nhiễm đột phá. Vắc-xin Covid-19 có hiệu quả phòng ngừa trong thời gian nhất định, ngăn diễn tiến nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong. Sau thời gian đó, người dân có thể bị tái nhiễm hoặc nhiễm đột phá là dễ hiểu.

Tại Hà Nội, thông tin tại buổi giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố ngày 10/3, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết: Kết quả giải trình tự gene ngẫu nhiên các ca dương tính từ 4/12/2021-1/3/2022 ở một số trường hợp cho thấy, khoảng 80% người mắc Covid-19 nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, bước đầu kết luận, Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron cao hơn 16 lần so với Delta. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thông tin, bằng chứng cho thấy người từng nhiễm Covid-19 có thể dễ tái nhiễm với Omicron hơn so với các biến thể khác.

Đối với dòng virus cúm, đặc biệt là virus SARS-CoV-2 do khả năng biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh; thậm chí, chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó nhờ vắc-xin hay nhiễm tự nhiên. Riêng chủng Omicron đến nay đã sinh ra 4 biến thể dòng phụ gồm BA.1, BA.2, BA.1.1.529 và BA.3.

Chưa kể, hiện một số nước trên thế giới đã phát hiện ra biến chủng mới Deltacron (lai giữa biến chủng Delta và Omicron). Tất cả chúng đều có sự tương đồng về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động. Do đó tình trạng tái nhiễm có thể xảy ra sau khi đã mắc Covid -19.

Dẫu vậy, dù với biến thể nào, virus SARS-CoV-2 vẫn không thay đổi đường lây và cơ chế lây nhiễm. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm 5K và tiêm ngừa vắc-xin theo khuyến cáo của ngành y tế.

f0-khoi-benh-van-co-the-tai-nhiem-trong-thoi-gian-ngan-dulichgiaitrivn-suc-khoe-1647436607.jpg
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COvid-19 cho người dân Ảnh minh họa

Gia tăng f0 bởi tâm lý “ai rồi cũng thành F0”

Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn phòng dịch để đảm bảo không tái nhiễm Covid-19, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên cho rằng bản thân chắc chắn sẽ mắc Covid-19 nên chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Suy nghĩ này rất nguy hiểm, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân mỗi người mà còn khiến số ca Covid-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, nguy cơ tỷ lệ tử vong nhiều hơn và tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế.

Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng thông tin: Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ của Hà Nội chiếm khoảng hơn 95%,bệnh nhân ở tầng 2 tầng 3 chiều hướng giảm, thành phố đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn, nhưng vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.

Trong số các bệnh nhân triệu trứng rất nặng, phải dùng tới phương pháp can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) được điều trị tại bệnh viện do mắc Covid-19, nhiều người là thanh niên, trẻ tuổi. Không chỉ bản thân chịu tổn thương về sức khỏe mà nguy hiểm hơn khi những người này còn là nguồn lây nhiễm Covid-19 sang người già, người mắc bệnh nền hay trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai… Vì thế, người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng “ai rồi cũng thành F0”.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, chúng ta đang thích ứng linh hoạt, an toàn, tiến tới bình thường hóa với dịch và xem đây là một bệnh đặc hữu. Nhưng việc một số người có tâm lý chủ quan, thả lỏng, buông xuôi trong phòng dịch hoàn toàn không nên. “Lúc này, việc tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân rất quan trọng, quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt “nóng” hơn, từ đó giảm tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

YÊN HƯNG