Giá lúa gạo sẽ sớm tăng trở lại

Admin
Giá lúa và gạo xuất khẩu giảm, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có chờ để "nghe" thị trường.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giảm trong những ngày vừa qua, hiện ở mức 600 USD/tấn. So với cách đây một tuần, mức giá này đã giảm 28 USD/tấn. Gạo Thái Lan cùng loại có giá 608 USD/tấn; gạo Pakistan 609 USD/tấn.

Theo báo Nhân Dân nguyên nhân là do đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời hoạt động mua bán lúa gạo cũng đang chững lại, giao dịch chậm trong suốt tuần qua. Tuy nhiên giá lúa gạo được dự báo sẽ sớm tăng trở lại do nhu cầu còn cao.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, lũy kế xuất khẩu gạo cả năm 2023 của Thái Lan đạt 8,76 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 2022. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 1,12 triệu tấn, lần lượt tăng đến 44% so với cùng kỳ 2023 và 37% so với tháng 12/2023.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái (TREA) đều có chung dự báo về xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2024 sẽ thấp hơn khoảng 14,38% so với năm 2023, về mức 7,5 triệu tấn, do sản lượng thu hoạch trong năm 2024 dự kiến giảm khoảng 5,9%.

Nguyên nhân là hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino ảnh hưởng đến sản xuất trong khi cạnh tranh về giá giữa các nguồn cung lớn trên thế giới sẽ gia tăng (đặc biệt là với Việt Nam). Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái đang nhấn mạnh vai trò của việc phát triển các giống lúa mới nhằm gia tăng sản lượng và thặng dư hàng hóa dành cho xuất khẩu.

Trong khi nguồn cung của Thái Lan không dồi dào thì khả năng dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng chưa được mở ra khiến thị trường gạo tiếp tục được dự báo sẽ còn nhiều biến động.

Về phía Việt Nam, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Năm 2024, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn lúa, bảo đảm nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo. Tính đến ngày 22/2/2024, vụ đông xuân 2023-2024 đã xuống giống được 1,474 triệu ha/1,475 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 415.000 ha với năng suất khoảng 6,25 tấn/ha, đạt sản lượng 2,594 triệu tấn lúa.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá lúa gạo sẽ sớm tăng trở lại

Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa.

Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 đạt hơn 150.000 tấn, trị giá hơn 104 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-2, xuất khẩu gạo đạt hơn 663.000 tấn, trị giá hơn 466 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn.

So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng hơn 14% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).

Nguồn cung từ nhiều quốc gia xuất khẩu đều sụt giảm

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt vì ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino năm 2023. Do đó, theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa chính trong năm sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hằng năm.

Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Trong những ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.

Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2024, Indonesia đã nhập khẩu 441,93 nghìn tấn, tăng 82,19% so với tháng 1/2023 với giá trị 279,2 triệu USD. Trong đó lượng gạo nhập từ Việt Nam là 32,34 nghìn tấn. Trong năm 2023, Indonesia đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, trị giá 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Dự báo giá gạo sẽ tăng trong năm 2024?

Hiện nay, tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Thông tin trên báo Quân Đội Nhân Dân, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2024, giữa bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Theo đó, thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành nông nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả, đại biểu tham dự đã đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Đồng thời, các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo đã tích cực chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.

Trong khi đó, đại diện các thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương và các cơ quan để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…

Thông tin trên báo điện tử Chính Phủ, trước đó Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.

Trúc Chi (t/h)