Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá

Admin
(PNTĐ) - Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với học sinh, trường Tiểu học Đông Ngạc A đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền, giảng dạy trong một số môn học và các hoạt động ngoại khóa.

Phương pháp giáo dục cuốn hút học sinh

Những ngày này, khi Thủ đô Hà Nội đang rộn ràng cờ hoa hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024), tại nhà thờ họ Phan ở làng Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhộn nhịp người đến tham quan và tìm hiểu lịch sử, trong đó có các học sinh khối 4 trường Tiểu học Đông Ngạc A tham dự chương trình giáo dục lịch sử địa phương bổ ích.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 1
Ông Phan Quốc Bảo giới thiệu về nhà thờ dòng họ Phan cho các học sinh.

Với chủ đề “Giới thiệu danh nhân Phan Phu Tiên – Danh nhân 2 lần đỗ Tiến sĩ, Nhà biên khảo, Nhà sử học, người thầy thuốc Việt Nam ở đầu thời Nhà Lê sơ”, trường Tiểu học Đông Ngạc A đã tổ chức tiết học kết nối giáo dục truyền thống địa phương với các trường tiểu học trong quận và các huyện ngoại thành như: Trường Tiểu học Đông Ngạc B, trường Tiểu học Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), trường Tiểu học Cự Khê và trường Tiểu học Cao Viên II (Thanh Oai, Hà Nội).

Tại buổi học, các học sinh được tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp, những đóng góp và công đức của danh nhân Phan Phu Tiên - tấm gương sáng về tinh thần học hỏi, nghiên cứu, tấm lòng yêu nước sâu sắc - vị tiến sĩ đầu tiên của làng Đông Ngạc, ngôi làng được mệnh danh là “Làng khoa bảng”.

Những tác phẩm của danh nhân Phan Phu Tiên không chỉ có giá trị khoa học, ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị giáo dục rất lớn. Qua đây, các em học sinh hiểu rõ hơn và càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương, truyền thống hiếu học, từ đó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong mỗi học sinh.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 2
Các học sinh hăng hái, say mê tìm hiểu tiểu sử, sự nghiệp, những đóng góp và công đức của danh nhân Phan Phu Tiên.

Theo ông Phan Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phan Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Phan thành phố Hà Nội, Tộc trưởng họ Phan Đông Ngạc, cụ Phan Phu Tiên là nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học và nhà giáo nổi tiếng.

Danh nhân Phan Phu Tiên thi đỗ tiến sĩ hai lần ở hai triều đại khác nhau. Vào thời Trần Thuận Tông năm 1939, cụ đỗ Thái học sinh lần đầu, đồng khoa với Hoàng Quán Chỉ - người đầu tiên đỗ tiến sĩ của làng Cót (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Vốn nổi danh là một người chính trực, không màng danh lợi nên khi nước ta bị giặc Minh xâm lược thời nhà Hồ, cụ Phan Phu Tiên đã quyết tâm từ quan trở về quê ở ẩn. Đến năm 1429, khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi, nền tảng đất nước chưa ổn định, rất cần người tài. Vậy nên Phan Phu Tiên đi thi lần thứ hai và tiếp tục đỗ khoa Minh kinh. Sau khi thi đỗ, Phan Phu Tiên được vào làm việc ở Quốc sử viện và Quốc Tử Giám, hai cơ quan nghiên cứu học thuật và đào tạo nhân tài quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 3
Ông Phan Quốc Bảo trao đổi với học sinh về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Phan Phu Tiên và truyền thống hiếu học của dòng họ Phan.

Bên cạnh đó, cụ Phan Phu Tiên còn có đóng góp rất lớn đối với lịch sử nước nhà khi là người viết tiếp bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, từ đời Trần Thái Tông đến đầu đời Lê Thái Tổ. Danh nhân Phan Phu Tiên cũng là người khởi thảo và đồng soạn hợp quyển "Việt âm thi tập" và bộ "Quốc triều luật lệnh".

Đối với người dân làng Đông Ngạc, danh nhân Phan Phu Tiên có công lao rất lớn khi là người khai khoa tiến sĩ của làng, mở đầu cho truyền thống hiếu học, làm quan của ngôi làng trí thức nổi danh đất Kinh kỳ.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 4
Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 5
Các học sinh chia sẻ hiểu biết của mình về danh nhân Phan Phu Tiên.

Ngoài ra, danh nhân Phan Phu Tiên còn là người rước chân nhang của đệ nhất Thành Hoàng làng về dân làng tôn lập. Các cụ cao niên trong làng kể lại, khi ấy làng Đông Ngạc chỉ có những ngôi miếu nhỏ thờ thần Thổ Địa, sau khi cụ tự tay rước chân nhang về thì người dân mới bắt đầu lập đình, thờ các vị Thành Hoàng.

Là một vị tiến sĩ có công với xã tắc nên vì vậy, con cháu của danh nhân Phan Phu Tiên sau này cũng thừa hưởng sự tài trí, đức độ hơn người của ông và dòng họ phát triển ngày càng lớn mạnh…

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 6
Thông qua những hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế, được thuyết trình, học sinh sẽ ghi nhớ kiến thức nhanh và lâu hơn về lịch sử.

Được trực tiếp tham gia tiết học ngoại khoá tại nhà thờ họ Phan, em Phạm Mai Anh, lớp 4A3, trường Tiểu học Đông Ngạc A chia sẻ: “Những buổi học ngoại khoá khiến em thêm yêu thích môn lịch sử. Trong các tiết học, cô giáo sưu tầm nhiều video, ảnh tư liệu về lịch sử, đưa lên máy chiếu cho chúng em dễ hiểu, tạo hứng thú khi học.

Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn em và các bạn chơi các trò chơi trắc nghiệm; lập bảng cột mốc năm và sự kiện tương ứng để nhớ lâu, nhớ sâu các sự kiện lịch sử địa phương. Chúng em được nghe những người đi trước nói chuyện về lịch sử”.

Còn chị Phan Diệu Thuý, phụ huynh, thì xúc động cho biết: Một tiết học lịch sử sống động và bổ ích, với những hình ảnh thực tế sẽ khiến học sinh nắm vững kiến thức hơn. “Tôi rất mong sẽc có nhiều tiết học ngoại khoá hơn để con được tìm hiểu về lịch sử địa phương cũng như nhiều địa danh khác” - chị Thuý nói.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 7
Các em còn tự sáng tác thơ về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Phan Phu Tiên.

Để học sinh đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc

Môn lịch sử với chức năng và nhiệm vụ của mình hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các tư duy hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Ngoại khóa lịch sử có nhiều hình thức như đọc sách, kể chuyện, nói chuyện lịch sử, trao đổi thảo luận, tổ chức trò chơi lịch sử, tham quan di tích, bảo tàng… Hoạt động ngoại khóa có tác dụng tích cực về mặt củng cố kiến thức, giáo dục tư tưởng, tình cảm và toàn diện học sinh; làm phong phú thêm kiến thức của học sinh trong giờ học nội khóa, tạo hứng thú học tập lịch sử…

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 8
Các học sinh, phụ huynh và giáo viên trường Tiểu học Đông Ngạc A chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ họ Phan (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Xuất phát từ những lý đó, trường Tiểu học Đông Ngạc A rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa chuyên môn nói chung và ngoại khóa lịch sử nói riêng. Với sự tâm huyết của các thầy, cô giáo, sự hào hứng của các em học sinh, các chương trình ngoại khóa của nhà trường luôn đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức tổ chức tạo cho học sinh những sân chơi tri thức bổ ích thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của học sinh toàn trường.

Theo cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc A, đối với dạy học lịch sử, hoạt động ngoại khóa có vai trò và ý nghĩa rất đặc biệt bởi vì lịch sử gắn liền với các sự kiện, di tích và nhân chứng. Với đặc thù của bộ tri thức lịch sử là những sự kiện, hiện tượng, nhân vật đã xảy ra trong quá khứ vì vậy các em học sinh không thể quan sát trực tiếp, cũng không thể dựng lại trong phòng thí nghiệm như các môn học khác.

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 9
Nhà trường tổ chức cho các học sinh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Vì vậy, trong học tập lịch sử hiện này, đa số các em học sinh chỉ được tiếp cận tri thức lịch sử một cách trìu tượng thông qua sách vở.  Vì vậy để học sinh được tường minh các nội dung kiến thức đã học trong chương trình thì các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường sẽ giải quyết được những yêu cầu nêu trên.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ngay từ đầu tháng 9/2024, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức tiết dạy giáo dục truyền thống địa phương-giới thiệu Đình Chèm- một di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt với kiến trúc cổ độc đáo và lễ hội truyền thống đặc biệt; tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một tướng lĩnh quân đội và là tướng chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; dạy Giáo dục truyền thống địa phương - giới thiệu Danh nhân Phan Phu Tiên, một danh nhân hai lần đỗ tiến sĩ, nhà biên khảo, nhà sử học, và là thầy thuốc Việt Nam ở đầu thời Nhà Lê sơ…

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua những giờ học ngoại khoá - ảnh 10
.... thăm, tặng quà cho các cựu chiến binh từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

 

“Thời gian từ nay đến 10/10, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động như: Tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; phát động tuần lễ học tập suốt đời, triển lãm tranh “Thủ đô yêu dấu”, mời cựu chiến binh nói chuyện…; giáo dục truyền thống địa phương tại đình Nhật Tảo, giao lưu với nhân chứng đã được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm làng Đông Ngạc năm 1962…

Chúng tôi tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, các em học sinh sẽ có những chuyến học tập trải nghiệm thực tế ý nghĩa và bổ ích; giúp các em hiểu hơn và tự hào hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông từ đó nhận thức được ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc A Phạm Thị Ánh Nguyệt cho biết.

Cũng theo cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt, các tiết học giáo dục truyền thống địa phương đều kết nối với các trường tiểu học trong quận và các huyện ngoại thành nhằm giúp lan toả kiến thức lịch sử đến đông đảo các em học sinh. “Đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học cùng với sự tâm huyết, sáng tạo của người thầy sẽ tiếp lửa cho học sinh trong học tập lịch sử nói riêng và các bộ môn khác nói chung” – cô Ánh Nguyệt tin tưởng.