Giáo viên mầm non bỏ nghề do dịch bệnh

Hoàng Huyền
Sau dịch Covid-19, nhiều trường mầm non ngoài công lập dự báo khi mở cửa hoạt động trở lại sẽ thiếu hụt giáo viên trầm trọng do nhiều giáo viên đã bỏ nghề, chuyển công việc khác.

Nhiều giáo viên đã chuyển nghề

“Giáo viên là xương sống của trường, nếu trường mở cửa mà không có hoặc thiếu hụt giáo viên thì không thể hoạt động được”- cô giáo Nguyễn Thị Tuyến, chủ trường mầm non tư thục Nhân Văn, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai chia sẻ.

Hoạt động từ năm 2018, tính đến nay mới được 4 năm thì có đến hơn 2 năm trường mầm non tư thục Nhân Văn bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Trẻ không được tới trường nhưng liên tục trong các năm 2019, 2020, mỗi tháng, cô Tuyến vẫn phải đều đặn trả tiền thuê địa điểm. Giáo viên của trường phải nghỉ việc không lương do trường không có kinh phí trả lương. Cô Tuyến cho biết, ban đầu, các giáo viên còn cố gắng cầm cự đợi ngày được gọi đi làm trở lại. Song đến nay, thời gian nghỉ kéo dài quá lâu, các cô đều lần lượt làm nghề khác.

Năm 2020, trường cũng đã phải trải qua mấy tháng nghỉ để phòng, chống dịch. Khi hoạt động trở lại, chỉ có 1 trong tổng số 6 giáo viên quay lại làm, 5 giáo viên còn lại đã chuyển nghề. Vì vậy, sau lần nghỉ dịch này, cô Tuyến dự báo tình hình sẽ tương tự. “Nhiều khả năng, tôi sẽ phải vất vả tuyển mới lại toàn bộ giáo viên mà không biết có tuyển được không”. Lý do theo cô Tuyến là “nhiều giáo viên không muốn trở lại nghề nữa vì thời gian qua họ đã quá vất vả do cứ đi làm rồi lại phải nghỉ làm. Cuối cùng, họ chuyển hẳn sang nghề mới ổn định hơn, lương cũng vậy mà không phải phập phồng lo lắng nữa”.

Tương tự, cô giáo Lê Kim Chính, Hiệu trưởng trường mầm non công ty Diêm, phường Đức Giang, quận Long Biên cho biết, sau Covid-19, khó khăn vẫn sẽ chưa dừng lại với các trường mầm non ngoài công lập, trong đó có công tác giáo viên. Trước khi có dịch, trường mầm non công ty Diêm có 14 giáo viên, nhân viên làm việc ổn định. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch mà trường dừng hoạt động nên các cô giáo đều đã tan tác đi tìm việc mưu sinh. “Có giáo viên đi làm ở quán cắt tóc, gội đầu.

Có người bán cafe, người bán hàng online, người về quê. Nhiều giáo viên lúc đầu tiếc công được đào tạo nên vẫn muốn quay lại nghề nhưng nay thì đã quen với công việc mới. Thêm nữa, các cô cũng lo nhỡ dịch kéo dài vài ba năm nữa, trường học bị đóng cửa thì cô lại “ra đường”mà chưa chắc tìm được công việc như hiện tại. Thế nên, có cô quyết định sẽ không làm giáo viên mầm non nữa”- cô Chính cho biết.

Cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên trường mầm non công ty Diêm có 7 năm thâm niên cho biết: Để sinh tồn trong dịch, cô hiện đang làm công nhân gấp hộp giấy, mỗi tháng kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Nếu không làm vậy, vợ chồng cô sẽ không có tiền nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già.

Theo cô Trịnh Thị Hiền, giáo viên nhóm trẻ tư thục Lâm Hoa ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, trẻ phải tạm nghỉ học vì dịch bệnh, các cô giáo ngoài công lập cũng phải nghỉ không lương. Nếu chuyển sang làm việc ngắn ngày để đợi quay trở lại trường thì chẳng ai nhận. Vì vậy, nhiều cô đã chuyển hẳn sang làm công nhân lâu dài trong khu công nghiệp, chấp nhận mất nghề.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, nhiều giáo viên ở các nhóm trẻ cũng đã đi làm công nhân ở khu công nghiệp Phú Nghĩa với mức lương tương đương với lương giáo viên mầm non. Ngay cả nhiều chủ nhóm lớp, chủ trường do phải đóng cửa quá lâu cũng đã giải thể nhóm, chuyển sang làm nghề khác để kiếm sống.

giao-vien-mam-non-bo-nghe-do-dich-benh-dulichgiaitrivn-giao-duc-1647010124.jpg
Khi hoạt động trở lại, nhiều trường mầm non dự báo sẽ thiếu hụt giáo viên do nhiều giáo viên đã bỏ nghề . Ảnh minh họa: H.Lan

Nguy cơ lãng phí đào tạo 

Việc giáo viên mầm non bỏ nghề, chuyển nghề để sinh tồn trong dịch Covid-19, nhìn ở phạm vi hẹp là vấn đề sinh tồn của cá nhân, nhưng, về mặt vĩ mô, lại cho thấy nguy cơ lãng phí trong công tác đào tạo.

Bậc học mầm non lâu nay đang khó thu hút người học. Ngay với trường cao đẳng sư phạm Trung ương cũng ở trong tình cảnh khó tuyển đủ chỉ tiêu. Lý do vì cường độ làm việc của giáo viên mầm non cao mà lương không cao. Với giáo viên mầm non ngoài công lập, cùng trong bối cảnh dịch bệnh, nếu như giáo viên trường công lập vẫn được Nhà nước trả lương, được hưởng chế độ, phụ cấp thì nhiều giáo viên trường ngoài công lập phải nghỉ không lương. Vì vậy, nhiều người không chọn làm giáo viên mầm non, nhiều cô giáo mầm non thì không tha thiết với nghề.

Cô giáo Lê Kim Chính, Hiệu trưởng trường mầm non công ty Diêm cho biết, bậc mầm non thu hút đầu vào đã khó, một giáo viên mầm non còn mất từ 3-4 năm đào tạo tại trường. Sau khi được tuyển dụng, các cô còn tiếp tục được các nhà trường đào tạo. Tính trung bình, một giáo viên muốn thành thạo trong nghề phải mất 4-6 năm tính cả thời gian đào tạo. Vì vậy, việc một giáo viên đã thạo nghề chuyển sang làm việc trái nghề, tính chất công việc đơn giản, tay chân… là sự lãng phí công sức, tiền của của Nhà nước, các nhà trường, giáo viên… Còn trường mầm non thì phải tuyển dụng giáo viên mới, chấp nhận đào tạo lại. Vậy là lãng phí chồng lãng phí.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, so với các bậc học khác, bậc mầm non chịu tác động, ảnh hưởng do bệnh Covid-19 nhiều nhất. Đặc biệt, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải nghỉ việc không lương, khiến đời sống hết sức khó khăn. Sau Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục mầm non và kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Đó là lý do Bộ GD-ĐT đề nghị phải rà soát tình hình giáo viên mầm non bỏ việc, chuyển việc; các địa phương cần quan tâm tới đội ngũ giáo viên, người lao động; có cơ chế động viên để giáo viên mầm non không bỏ việc, đảm bảo nguồn giáo viên khi điều kiện học tập dần quay trở lại bình thường. UBND 63 tỉnh/ thành trong cả nước đánh giá công tác quy hoạch, định hướng phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đặc biệt chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015 liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ; theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 với tinh thần “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

TRUNG THU