dịch vụ xe đạp đô thị
Đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, đơn vị sẽ triển khai giai đoạn 1 với quy mô 1.000 xe (50% là xe đạp điện), 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng 30,255 tỷ đồng (bao gồm: Chi phi đầu tư xe đạp, khóa, simdata: 17,3 tỷ đồng; Chi phí vận hành mua sắm trang bị công cụ dụng cụ, xe sửa chữa, văn phòng: 3,55 tỷ đồng; Phần mềm máy chủ server: 1,12 tỷ đồng; Đầu tư trạm xe, thi công bảo dưỡng: 1,74 tỷ đồng; Nhân công vận hành: 6,54 tỷ đồng).
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian qua, dự án xe đạp đô thị cộng cộng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành trên cả nước đã được người dân, du khách sử dụng với đăng kí mới 218.157 tài khoản, trung bình 944 tài khoản/ngày (tính đến 31/7/2022).
Khách sử dụng lại dịch vụ từ 2 chuyến trở lên 58.902 khách hàng chiếm 27%. Số chuyến đi 271.408 chuyến - trung bình 1.175 chuyến/ngày với thời gian sử dụng 246.094 giờ - trung bình 54 phút/chuyến. Hành khách sử dụng rơi vào 2 độ tuổi là 18-22 chiếm 40% và 22-40 chiếm 45%.
Được biết, 6 quận nội thành được thí điểm trước ở giai đoạn đầu. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.
Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Trong năm đầu tiên, Trí Nam xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, công ty sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND thành phố về nội dung này.
Để làm cơ sở đề xuất thành phố cho phép triển khai thí điểm trong 12 tháng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng làm rõ một số nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, đối với đề xuất của doanh nghiệp xin được "miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong giai đoạn đầu tư hay trong thời gian 1 năm thí điểm", quan điểm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là để tạo điều kiện ban đầu cho Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam.
Việc Hà Nội triển khai sau thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... sẽ có thuận lợi hơn khi có kết quả đánh giá làm cơ sở cho Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh.
Thời gian tiếp theo sẽ căn cứ vào kết quả, hiệu quả kinh doanh dịch vụ của Trí Nam, đồng thời, tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành để tiếp tục tham mưu, báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét việc tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí hay không thu phí vỉa hè.
Về nội dung "cơ sở pháp lý lựa chọn đơn vị triển khai thí điểm bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật", Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổng hợp kinh nghiệm triển khai thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030"; Quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24-8-2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030"; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28-9-2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, trong đó xác định tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030.
Do đó, cần có dịch vụ xe đạp công cộng góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện...
Dịch vụ xe đạp công cộng là một phương án tốt bảo đảm phục vụ người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hóa trong phát triển giao thông công cộng.
Về xã hội hóa, hiện chưa có nghị định cụ thể hướng dẫn về các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông và chỉ có một đơn vị là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đề xuất và đủ khả năng triển khai thực hiện. Do đó, việc áp dụng lựa chọn nhà đầu tư (Trí Nam) trên cơ sở Luật Đấu thầu, Nghị định 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ là phù hợp với quy định hiện hành.
Với nội dung "Đề nghị đơn vị đề xuất triển khai dịch vụ xe đạp đô thị nghiên cứu phương án không thu phí trong thời gian thí điểm", Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã làm việc cụ thể với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam.
Đến nay, Trí Nam đã nghiên cứu xem xét các điều kiện cụ thể để triển khai, trong đó có báo cáo không thực hiện được phương án "không thu phí dịch vụ xe đạp đô thị trong thời gian thí điểm" với lý do: Việc triển khai xây dựng dịch vụ xe đạp đô thị dựa trên nguồn lực từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không có sự tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào trong và ngoài nước; đơn vị đã tính toán khả năng hoàn vốn với phương án vé, quy mô và số lượng hành khách tương tự như thành phố Hồ Chí Minh thì phải ít nhất 7 năm, đơn vị thu hồi vốn đã chi đầu tư ban đầu và chi phí quản lý trong thời gian đó.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xem xét thực tế việc triển khai dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quy Nhơn. Các thành phố này đều thống nhất cho phép Trí Nam triển khai dịch vụ xe đạp đô thị có thu phí sử dụng của người dân trên địa bàn.
Đến nay, Trí Nam chưa nhận được phản ánh, thắc mắc về việc thu phí của người dân trên các địa bàn đã triển khai.
VÂN NGA