Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn
Để từng bước mở cửa, phục hồi du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ra sao, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Năm 2021, do ảnh hưởng tiêu cực của hai đợt bùng phát dịch COVID-19, khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ bao gồm khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36,3% Kế hoạch đề ra).
Tổng thu từ khách du lịch đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40,2% năm 2020 và bằng 36,8% tổng thu từ khách du lịch nội địa của Kế hoạch đề ra).
Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, các đơn vị buộc phải thay đổi cách làm du lịch, trước hết là đổi mới về sản phẩm. Sự liên kết của các địa phương cũng có ý nghĩa rất lớn để tạo nên "hành lang du lịch an toàn", giúp ngành Du lịch có thể phục hồi trong trạng thái "bình thường mới".
Tuần qua, thành phố Hà Nội đã ban hành hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023.
Theo đó, năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách du lịch. Trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách. Trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố và các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn.
Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường như: Du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn ở Ba Vì, Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá. Dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ, du lịch thăm bảo tàng tại tại khu vực Hoàn Kiếm, Đông Anh đối với khách du lịch trẻ, khách du lịch theo gia đình. Tour du lịch khám phá kiến trúc Pháp ở Hoàn Kiếm, Ba Đình đối với khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách du lịch theo đoàn...
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng...
Đồng thời, Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành, các đơn vị điểm đến đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống; Đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước.Tổ chức Hội nghị liên kết, phát triển du lịch MICE thành phố Hà Nội năm 2022;.Thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thành các dự án khách sạn, trung tâm hội nghị, triển lãm, các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch…
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, Hà Nội đã có giải pháp gì tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới?
Bà Đặng Hương Giang: Trước mắt, Sở Du lịch sẽ phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nhanh nhất thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch và người lao động lĩnh vực du lịch thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và các quy định mới ban hành.
Sở Du lịch sẽ đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các chính sách hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp du lịch liên quan đến việc giảm tiền thuế, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp tiền BHXH… Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch, tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua các sự kiện, lễ hội do Thành phố tổ chức, các kênh truyền thông, các hệ thống website, fanpage của Thành phố.
Bảo đảm an toàn tại các điểm đến và cho khách du lịch
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sở Du lịch sẽ triển khai các hoạt động này như thế nào, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM Du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội (youtube, facebook, fanpage VTV...), hệ thống thông tin đại chúng và đường dây hỗ trợ khách du lịch; Tổ chức chương trình FM Du lịch Hà Nội trên kênh VOV Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đặc biệt, Thành phố sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế. Triển khai các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và trong thời gian diễn ra SEA Games 31.
Tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ, hằng năm trên địa bàn Thành phố như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội, Festival Áo dài Hà Nội, Chương trình Hành trình hữu nghị. Tổ chức sáng tác bài hát dành cho du lịch Hà Nội. Tuyển chọn Đại sứ Du lịch Hà Nội để thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch.
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm đặc biệt là các thị trường trọng điểm phía Bắc, TPHCM và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung-Tây Nguyên…
Qua đó quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao. Hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch trên địa bàn Thành phố…
Để từng bước phục hồi ngành du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong năm 2022, việc bảo đảm an toàn tại các điểm đến và khách du lịch như thế nào, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Căn cứ tình hình dịch bệnh được kiểm soát theo các cấp độ dịch tại từng khu vực, địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đón khách du lịch sẽ cập nhật thông tin, thực hiện nghiêm theo các chỉ đạo, hướng dẫn về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Thành phố.
Hà Nội chủ động cung cấp thông tin, truyền thông rộng rãi thông điệp "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn", Hà Nội - Đến để yêu". Ưu tiên tiêm chủng đầy đủ 02 mũi vaccine và mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho đối tượng là cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, cơ sở vật chất y tế, phòng cách ly tại các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch. Có các phương án xử lý khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Lựa chọn một số điểm đến du lịch phù hợp trên địa bàn Thành phố để thực hiện thí điểm du lịch an toàn với COVID-19.
Trân trọng cảm ơn Bà!
Minh Anh