“Hà Nội - Sức sống và Niềm tin” - Ứng dụng công nghệ trình chiếu trong triển lãm

Admin
(PNTĐ) -Triển lãm “Hà Nội - Sức sống và Niềm tin” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 - 22/10, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Triển lãm sẽ giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú, thể hiện sinh động, chân thực, thể hiện được sức sống, sức vươn lên của Thủ đô và niềm tin của nhân dân cả nước dành cho Hà Nội.

Tại đây, có nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như: "Đánh chiếm Bắc Bộ phủ" (Trần Đình Thọ), "Chiến lũy Ngã Tư Sở" (Nguyễn Văn Tỵ), "Hà Nội năm 1947" (Công Văn Trung), "Thủ đô kháng chiến" (Nguyễn Quang Phòng), "Hà Nội đêm giải phóng" (Lê Thanh Đức), "Niềm vui giải phóng" (họa sĩ Trần Khánh Chương), "Phố Gia Ngư" (Bùi Xuân Phái), "Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm" (Phạm Văn Lung)…

 “Hà Nội - Sức sống và Niềm tin” - Ứng dụng công nghệ trình chiếu trong triển lãm - ảnh 1
Tác phẩm "Hà Nội đêm giải phóng" (tác giả Lê Thanh Đức)

Trong số 70 tác phẩm này, có bức tranh "Phố Gia Ngư" của danh họa Bùi Xuân Phái sáng tác năm 1980 trên chất liệu sơn dầu. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70. Các mảng màu trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái thường có đường viền đậm, từ bề mặt cho tới cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của cố họa sĩ, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự thay đổi của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.

Đặc biệt, triển lãm có sự kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu số hiện đại, đồng thời có hoạt động in tranh khắc gỗ để đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng yêu nghệ thuật.

Bên cạnh đó, vào lúc 9h30 thứ Bảy (ngày 12/10) sẽ diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề "Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại" tại không gian triển lãm.