Hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học

Admin
(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học trên tổng số 14.663 trường tiểu học; 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm thuộc 63 tỉnh/thành thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GD&ĐT quản lý.

Tin liên quan

Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm

Đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí dạy thêm cho học sinh cuối cấp

Thêm nhiều tổ hợp xét tuyển và ngành học mới

Số hóa gần 24,55 triệu hồ sơ giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, năm 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành các bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của: Cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT), cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non. Khung năng lực số cho người học cũng đã được ban hành.

Về phát triển cơ sở dữ liệu, đã số hóa gần 24,55 triệu hồ sơ là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục về cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (Hệ thống Hemis) và cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông; kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (do Bộ Nội vụ quản lý).

Hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học - ảnh 1
Giáo viên ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy.

Triển khai Dịch vụ công trực tuyến, 2 dịch vụ công là “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” (có 1.029.678 hồ sơ đăng ký trực tuyến) và “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” (có 9448 hồ sơ) đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học trên tổng số 14.663 trường tiểu học (đạt tỷ lệ 77,75%); 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm thuộc 63 tỉnh/thành thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GD&ĐT quản lý.

Mở rộng triển khai Học bạ số đối với giáo dục trung học. Tiếp theo thành công triển khai học bạ số, Bộ GD&ĐT đang triển khai thí điểm văn bằng số, hướng đến việc quản lý, sử dụng văn bằng hoàn toàn trên môi trường mạng.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ GD&ĐT đã có công văn đôn đốc các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng được phép đào tạo cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào tiêu chí đánh giá tại các Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số

Hướng dẫn mô hình tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

100% thí sinh xét tuyển đại học thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức không dùng tiền mặt; các cơ sở giáo dục.

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành Giáo dục

Năm 2025, Bộ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Kế hoạch năm 2025 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Kế hoạch năm 2025 của Đề án số 06 của Trung ương.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 100% các thủ tục hành chính do Bộ GDĐT thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành Giáo dục trong các lĩnh vực quản lý giáo dục và thực hiện các hoạt động chuyên môn của ngành…

Hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học - ảnh 2
ảnh minh họa.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025,  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu phải nhìn thấy hết những việc cần làm, cả vĩ mô và vi mô trong chuyển đổi số cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, cũng như của toàn ngành; đặt ra những việc cần làm có lộ trình, tư duy thiết kế một cách tổng thể để không bị động, thiếu đồng bộ.

Về công việc cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu tiến hành hợp nhất các Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06. Khi thành lập Ban Chỉ đạo mới, với cơ cấu mới, việc cần làm ngay là cần đánh giá về tình hình chuyển đổi số của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng bộ cơ sở dữ liệu giáo dục dạy nghề để hòa dòng, liên thông với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

Nhận định, nghiên cứu, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước, hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá là việc trọng tâm, thách thức lớn trong năm, Bộ trưởng cũng lưu ý rà soát lại tổng thể những việc cần làm và đề ra lộ trình 1 năm, 5 năm để tránh không sót việc, không mâu thuẫn, không chồng chéo; rà soát, đề xuất phương án xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Đồng thời lưu ý an toàn trong kết nối, tính pháp lý trong chia sẻ dữ liệu khi gia tăng cơ sở dữ liệu và các kết nối; tăng cường vai trò tham mưu, đốc thúc của bộ phận cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo…