Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM

Admin
(Chinhphu.vn) - Sau 12 năm tổ chức, Hội nghị kết nối cung cầu 2024 tại TPHCM có quy mô lớn nhất với 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm kiếm cơ hội kết nối với thị trường TPHCM thông qua hệ thống chợ, siêu thị, sàn thương mại điện tử…
Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công Thương TPHCM tiếp tục tập trung giải pháp “sau kết nối”, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Anh Lê

Để đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú với một số hoạt động nổi bật như: Kết nối B2B trực tiếp, tìm kiếm nguồn hàng của các chợ đầu mối, 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử với 1 phiên kết nối tập trung và 6 phiên kết nối chuyên đề.

Cùng với đó, hoạt động kết nối trực tuyến với chủ đề "Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP tiêu biểu" được tổ chức sôi động với 19 phiên livestream quy mô lớn; 2 chiến dịch "Đặc sản vùng miền" trên các sàn thương mại điện tử, các phiên kết nối thương mại điện tử chuyên đề, các hoạt động tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, năm 2023, lãnh đạo Thành phố đã đi khắp các vùng miền để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 38 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy sự phát triển của TPHCM luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác; trong đó xây dựng chuỗi cung ứng từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất... đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố thông qua các hoạt động kết nối cung cầu.

Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM- Ảnh 2.

Hơn 2000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM - Ảnh: VGP/Anh Lê

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Trong chuỗi sự kiện hợp tác, kết nối đó, kết nối cung cầu không chỉ dừng lại là kết nối người mua và người bán, mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm không chỉ của nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn là trách nhiệm của nhà bán lẻ trong việc định hướng, hỗ trợ sản xuất; trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của ngành công thương, ngành nông nghiệp trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững.

Tại sự kiện kết nối cung cầu năm nay 2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Sở Công Thương TPHCM tiếp tục tập trung giải pháp "sau kết nối"; theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ phải được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… nhất là trong giai đoạn đầu nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ.

Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM- Ảnh 3.

Một gian hàng đang livestream bán hàng tại sự kiện kết nối cung cầu 2024 - Ảnh: VGP/Anh Lê

Đồng thời, Sở Công Thương TPHCM phải tổ chức thường xuyên hơn hoạt động kết nối trực tuyến, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp… có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc; đặc biệt là giúp doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội…

Anh Lê