Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh - việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị. Trong đó, có sự đóng góp của các nhà khoa học, nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng.
Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực mong muốn dự án trên sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng thuộc lĩnh vực điện gió cho người học, đồng thời kết nối doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên.
Hội thảo đã giới thiệu các hoạt động trong Dự án tới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đang triển khai hoạt động phát triển nguồn nhân lực và học thuật lĩnh vực điện gió; các công ty, tổ chức, chuyên gia có liên quan; tạo không gian kết nối giữa các đối tác nhằm thúc đẩy việc triển khai Dự án. Dự án đào tạo về Điện gió dự kiến sẽ bao gồm các hoạt động về đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thuộc lĩnh vực điện gió cho người học, đồng thời kết nối doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên.
Theo đó, Dự án đào tạo về Điện gió (RENEW Skills) sẽ tập trung hỗ trợ cả lực lượng lao động hiện tại và các sinh viên đại học, cao đẳng kỹ thuật nghề trong tương lai. Dự án bao gồm các hoạt động giảng dạy mới và đào tạo thực hành kỹ năng vận hành và bảo trì công nghệ năng lượng gió, tích hợp lưới điện và an toàn lao động. Chương trình còn thành lập các phòng thực hành và Trung tâm Đào tạo Xuất sắc (dự kiến tại Trường Đại học Điện lực) với các trang thiết bị đào tạo công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến phục vụ cho các khóa học. Dự kiến trong ba năm tới, dự án sẽ tiếp cận hơn 4.000 sinh viên và kỹ thuật viên.
Tại hội thảo, Quỹ GE Vernova Foundation cùng Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) và Trường Đại học Điện lực tại Hội thảo quốc tế Giới thiệu về dự án Điện gió đã công bố dự án với khoản viện trợ 750.000 USD, nhằm hỗ trợ phát triển lực lượng lao động trong ngành năng lượng Việt Nam. Đại diện Quản lý Tổ chức ASSIST sẽ nhận khoản viện trợ trên để triển khai Dự án RENEW Skills bao gồm xây dựng chương trình trang bị và nâng cao kỹ năng trong ba năm, dành riêng cho sinh viên đại học, cao đẳng và kỹ thuật viên, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định “Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tại COP28, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định điều này thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.