Sau bốn đợt dịch bùng phát liên tiếp, mà đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp và khó lường đã tác động đến hầu hết mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành Du lịch tỉnh Nghệ An cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, không tránh khỏi vòng xoáy của những khó khăn và khủng hoảng, thậm chí khủng hoảng có lúc chạm đến mức đáy khi mọi hoạt động đưa, đón khách đều tê liệt, nhiều doanh nghiệp làm du lịch không thể tồn tại, buộc phải đóng cửa, dừng kinh doanh hoặc chuyển đổi sang một số ngành nghề khác để mưu sinh.
Theo thống kê số liệu khách du lịch nội địa cả nước 8 tháng đầu năm đạt 31,2 triệu lượt khách (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Riêng đối với tỉnh Nghệ An, lũy kế 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đón 1.670 nghìn lượt khách, bằng 61,29% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách lưu trú ước đạt 1.309 nghìn lượt, bằng 63,94% cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 3.196 lượt, bằng 16,94% cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.049 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện tại, cùng với các giải pháp phòng chống dịch ngày càng quyết liệt, hiệu quả của chính quyền các cấp từ TW đến các địa phương, từ tỉnh đến cơ sở và cùng với đó là việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh, sự nối lại hoạt động du lịch nội tỉnh của một số địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh bắt đầu lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời ban hành các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực để ngành du lịch từng bước khôi phục. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa khơi thông được thị trường du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, vừa có thể bảo đảm an toàn phòng dịch.
Thời gian này, vẫn cần xác định du lịch nội địa là động lực phát triển chính. Yếu tố an toàn chỉ có thể kiểm soát khi bảo đảm được sự kết nối xanh - kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.
Để thực hiện điều này, sản phẩm du lịch phải đáp ứng năm tiêu chí “xanh”, bao gồm: Thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Bên cạnh các quy định về yêu cầu tiêm vắc-xin đầy đủ, có chứng nhận hồi phục sau nhiễm dịch, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính dành cho những người tham gia du lịch, các đơn vị cần liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch theo tour, dịch vụ khép kín với sự giám sát chặt chẽ của công ty lữ hành trên cơ sở lên phương án điều hành tour an toàn đối với từng loại hình.
Muốn thế, các đơn vị làm du lịch cần phải có sự thay đổi cụ thể trong phương thức cung cấp dịch vụ cho du khách ở từng khâu, từ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, điểm đến. Chẳng hạn, trong vận chuyển, phương tiện di chuyển, tuyến, điểm tham quan, ngay cả điểm dừng chân cũng đều phải cố định, được kiểm soát. Trong lưu trú, cần áp dụng nhận phòng, trả phòng không tiếp xúc, bố trí phòng ở theo nhóm, gia đình có yếu tố dịch tễ giống nhau để dễ kiểm soát an toàn phòng dịch, ngoài phòng dịch vụ cần có thêm phòng chuyên cách ly.
Tại nhà hàng, cũng cần bố trí khu vực ăn theo nhóm hoặc gia đình, nhưng đảm bảo khoảng cách, chỉ phục vụ tại bàn, hạn chế tối đa việc tổ chức ăn theo hình thức buffet, yêu cầu khách hạn chế di chuyển trong quá trình dùng bữa. Hay khi đưa khách tới các điểm du lịch xanh, cũng cần tính đến độ kín, mở của không gian, sức chứa của địa điểm cung cấp dịch vụ để bố trí phục vụ số lượng khách phù hợp bảo đảm giãn cách.
Các công ty cung cấp dịch vụ du lịch cần chuẩn bị sẵn những tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý. Đơn cử, trước đây, khi khách trong đoàn gặp sự cố về sức khỏe, hướng dẫn viên thường liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Hiện nay, nếu phát hiện du khách có biểu hiện nghi nhiễm SARS-CoV-2, việc đầu tiên là phải cách ly ngay người này khỏi Đoàn rồi mới gọi y tế của địa phương trợ giúp. Các phương án đưa, đón khách luôn phải được xây dựng dựa trên tham khảo cơ quan chuyên môn để có quy trình xử lý đúng nhất, nhanh nhất và ở phạm vi hẹp nhất. Các công ty lữ hành cũng cần thống nhất, làm rõ trước với du khách về các nội dung liên quan xét nghiệm, như số lần xét nghiệm, thời điểm xét nghiệm, chi phí y tế phát sinh ngay trên hợp đồng du lịch.
Theo các chuyên gia, để có thể tổ chức những chương trình du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới, nhất thiết phải có sự vào cuộc của các địa phương, các điểm đến xanh, cung đường xanh được khuyến nghị đưa ra để khách hàng có sự lựa chọn, danh sách đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch an toàn, bảo đảm chất lượng, và đặc biệt phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương để hạn chế những rào cản trong quá trình di chuyển, kết nối giữa các điểm với nhau.
Mới đây nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đợt 4”. Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”.
Trước mắt, tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch với thông điệp “Người Nghệ An đi du lịch Nghệ An”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Nghệ An an toàn, thân thiện, hấp dẫn” trên các báo, tạp chí, đài truyền hình ở trung ương, địa phương; qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến trong nước và ngoài nước.
Xây dựng các tua, tuyến an toàn, hấp dẫn, dịch vụ trọn gói như du lịch cho các Đoàn nhỏ, lẻ “đi - về trong ngày” hoặc “2 ngày, một đêm” khám phá các điểm đến du lịch xanh, cung đường du lịch xanh khám phá, trải nghiệm vùng miền Tây, xứ Nghệ. Xây dựng mô hình du lịch MICE đối với vùng trung tâm và khu vực Cửa Lò, Nam Đàn.
Là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã và đang triển khai khá nhiều hoạt động cụ thể để tăng cường quảng bá, thông tin xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Xây dựng các ấn phẩm, clip giới thiệu quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Nghệ An trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sự kiện du lịch trên nền tảng số, tăng cường các hoạt động đào tạo, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp trên các trang thông tin đã phương tiện của đơn vị (Website, Fanpage, Zalo, Youtobe,…).
Hiện tại, Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch để kết nối và đồng hành các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan tham gia chuỗi các sự kiện tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021, dự kiến tổ chức vào ngày 25-28/11/2021, trong đó có sự kiện quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh Nghệ An đến với du khách trong và ngoài nước. Xây dựng các gian hàng ảo để tham gia các sự kiện du lịch lớn như “Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, lần thứ 17 năm 2021” theo hình thức trực tuyến, dự kiến từ ngày 27/11 - 27/12/2021. Xây dựng kế hoạch tham gia triển lãm quảng bá hình ảnh Nghệ An, các tiềm năng và lợi thế kêu gọi thu hút đầu tư, giới thiệu các sản phẩm du lịch và hợp tác xúc tiến thương mại giữa Nghệ An với thị trường Trung Đông tại Triển lãm World Expo Dubai tại Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), dự kiến bắt đầu từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022,…
Với những quyết tâm và nỗ lực cao nhất, với tư duy và cách làm mới, biến những khó khăn thách thức hiện có, trở thành động lực để triển khai các nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực chủ động phối hợp với Sở Du lịch, các Sở, ban ngành cấp tỉnh, các địa phương và các đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Nghệ An, thích ứng, an toàn và linh hoạt trong tình hình mới./.
Theo Sở Ngoại vụ Nghệ An