Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội .
Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2024
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tính đến ngày 7/7/2024, thu NSNN đạt 1.057,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán; chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án trong nước và nước ngoài.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sự nỗ lực, vượt khó không ngừng của toàn ngành Tài chính thời gian qua đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, "tiếp sức" và tạo đà quan trọng hoàn thành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm trong những tháng cuối năm 2024.
Trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ DN, người dân.
Đối với các chính sách về thu NSNN, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho DN, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng).
Trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước… Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định và đang lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc dự kiến thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ trong 6 tháng cuối năm; Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan…
Đối với các chính sách về chi NSNN, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đã đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ và giao dự toán chi NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc lưu ý những vấn đề cần phải làm tốt hơn, trong đó có lĩnh vực đầu tư công, tốc độ giải ngân còn chậm do nhiều nguyên nhân, cần có các giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực.
Hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển bền vững
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải có cái nhìn chia sẻ và có nhận thức chung rằng chính sách tài khóa mở rộng hết năm 2024 thì cần kết thúc để có một chu kỳ mới. Trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và phát triển một cách bền vững, phục hồi. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn.
Trong khi đó, cần phải tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cao tốc, sân bay, bến cảng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương, duy trì hoạt động bộ máy… Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
"Quan điểm là tạo điều kiện để DN, hộ kinh doanh phát triển, thà làm được có thuế nộp còn hơn là không làm được không nộp thuế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu thông điệp.
Ngành tài chính sẽ quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài...
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu DN; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...
Ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý, theo số liệu chưa đủ, hiện nợ thuế tiền sử dụng đất toàn quốc là 89.000 tỷ đồng, nguy cơ không những bị thất thu mà còn lãng phí nguồn lực, gây bất ổn xã hội, người dân nộp tiền cho DN bất động sản giờ không trả quyền lợi không được giao tài sản, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất... Trong khi các DN đã thu tiền làm các việc khác, thậm chí nguy cơ phá sản...Cần có các cơ chế, bảo đảm quản lý lĩnh vực này chặt chẽ hơn, trong đó, gắn chặt việc quản lý nghĩa vụ về thuế khi triển khai các dự án bất động sản.
Về thị trường chứng khoán, bảo hiểm, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao những tiến bộ trong việc thực hiện minh bạch hóa thị trường. Thị trường chứng khoán vận hành lành mạnh hơn, giá trị vốn hóa được cải thiện, thị trường trái phiếu đã được chấn chỉnh, dù vẫn còn những vấn đề liên quan đến 1 số khoản nợ cũ.
"Cần tiếp tục nghiên cứu sửa quy định pháp luật vấn đề trái phiếu, cả ra công chúng và riêng lẻ, thực hiện lành mạnh hóa, quy định rõ các tình huống xử lý, nâng cao trách nhiệm DN , khi DN không trả nợ sau khi phát hành, tránh để lại những hậu quả cho xã hội", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Người đứng đầu Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị: Cần tập trung tháo gỡ khó khăn thể thế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để vừa bảo đảm thu ngân sách, đi đôi với sự phát triển bền vững. Cần khẩn trưởng gỡ vướng trong lĩnh vực đầu tư công, khơi thông dòng chảy mới thúc đẩy phát triển được.
"Đại diện các Vụ, Cục cần sâu sát hơn, có các Tổ đi làm việc tại các địa phương ghi nhận những khó khăn phản ánh. Các đơn vị phải hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở để giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN, thúc đẩy trọng điểm tăng trưởng...", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu ngành tài chính tiếp tục cải thiện hệ thống CNTT.
"Hệ thống công nghệ ngành tài chính luôn được đánh giá cao, các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... được điện tử hóa khá mạnh, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, phát triển với quy mô lớn hơn, đã bắt đầu có những vướng mắc, nếu không cải thiện sẽ khó đáp ứng được yêu cầu với tình hình mới", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý.
Anh Minh