Dư âm chiến thắng của Võ Quang Phú Đức - học sinh Trường chuyên Quốc học
Khơi dậy tinh thần, nội lực Huế
Dù đã 7 lần đưa cầu truyền hình trực tiếp về Cố đố, với 2 lần vô địch trước đó, nhưng cảm giác khi "nhà leo núi" của tỉnh giành được chiến thắng, vẫn khiến bao người vỡ òa trong hạnh phúc, vui sướng.
Bản thân tôi hai ngày qua cũng nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè, đồng nghiệp ở các tỉnh khác chúc mừng về sự kiện này. Ngoài những lời chúc mừng, nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên về một Huế rất khác, so với những gì nghe và thấy trước đó.
Từ màn cổ vũ đầy màu sắc với điểm nhấn là áo dài và nón lá, đến sự tinh tế khi lồng ghép những giá trị di sản truyền thống như nghi lễ Truyền Lô hay giới thiệu du lịch đầm phá, lăng tẩm, hệ sinh thái… của địa phương.
Ngoài sự khôn khéo nắm bắt thời cơ, những người bạn ở các tỉnh khác còn nhận xét lần này, Huế đầu tư công phu hơn để nhận lại những ấn tượng đẹp của đông đảo người dân trên cả nước về một Huế mang đậm màu sắc văn hóa di sản và thân thiện.
Nhất là qua màn thể hiện của “nhà leo núi” Võ Quang Phú Đức, họ còn nhìn thấy một tinh thần, tính cách Huế rất khác, khi được khơi dậy nội lực.
Có thể thấy rằng, trải qua bao thời cuộc, nét vàng son của thời phong kiến vẫn còn đọng lại, trở thành hoài niệm khó phai trong một số người dân Cố đô. Đó cũng là nguyên nhân khiến một lớp người Huế còn mang tính cách bảo thủ, khép kín, chậm đột phá và khó chấp nhận những cái mới.
Tư tưởng "ăn chắc mặc bền", trọng những giá trị truyền thống đôi khi khiến không ít người Huế "co mình" trước những cái mới, để rồi chậm thay đổi, thiếu sự quyết đoán, dẫn đến không bắt kịp sự phát triển của xã hội.
Thế nhưng, khi chứng kiến hành trình chinh phục đỉnh Olympia của chàng trai Võ Quang Phú Đức - một học sinh trưởng thành từ ngôi trường đầy truyền thống, mới thấy, nội lực người Huế khi được khơi dậy sẽ phát huy tốt như thế nào.
Đặc biệt, ở trận chung kết, thời điểm vòng thi Vượt chướng ngại vật, Phú Đức đã khiến nhiều người phải xem lại định kiến về tính cách người Huế "chậm mà chắc", khi chàng trai này quyết đoán bấm chuông và bản lĩnh trả lời "chốt" thành công câu hỏi của vòng thi.
Với tầm kiến thức rộng, biết liên kết thực tiễn sinh động, dù dãy chữ cái đầu tiên chưa có đáp án, Phú Đức vẫn tự tin và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tạo ra sự đột phá nhằm thay đổi cục diện.
Ở câu hỏi cuối cùng, việc sử dụng chiến thuật chấp nhận trả lời sai để bảo toàn chênh lệch điểm số với đối thủ cận kề, đã cho thấy Phú Đức không chỉ thông minh, nắm bắt cơ hội mà còn rất bản lĩnh, kiên định.
Chấp nhận trừ điểm và có thể bị nói là "khôn lanh" để lấy sự chiến thắng chắc chắn trong khuôn khổ luật chơi, nhằm đạt được mục tiêu của chính mình đặt ra.
Thực tế cho thấy, người Huế ngoài hiếu khách thì cũng rất hiếu đạo, đặc biệt là hiếu học. Và nếu khơi dậy mạnh mẽ được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới thì nhất định sẽ tạo nên sự đột phá.
Trong một bài phỏng vấn ông Phan Ngọc Thọ - khi ấy vừa nhận chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người viết vẫn nhớ mãi câu nói của ông về việc muốn thay đổi Huế thì phải đột phá tư duy, nếp nghĩ và phát huy giá trị nội lực.
Chiến thắng của Võ Quang Phú Đức không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành giáo dục Cố đô, mà ở thời điểm này, đây còn thể hiện một tinh thần nội lực mạnh mẽ của Huế, trước ngưỡng cửa tỉnh nhà sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có mục tiêu trọng tâm là trở thành trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục chuyên sâu của cả nước, khu vực.
Huế của hiện tại, niềm tin cùng đường lớn đã mở thật rồi!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả