Gần đây, dư luận cũng như những người yêu thích lặn biển ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bàng hoàng trước thông tin san hô chết hàng loạt ở đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Nhiều hình ảnh cho thấy san hô chết phủ trắng đáy biển khiến ai cũng xót xa.
Đáy biển phủ trắng san hô chết
“Dịch Covid-19 ập đến, mình cứ nghĩ là cơ hội không thể tốt hơn cho khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang trong đó có san hô. Nhiều năm trước khu vực vùng lõi Hòn Mun được xem có hệ sinh thái san hô đẹp bậc nhất Việt Nam. Giờ mình khá bất ngờ vì khi lặn xuống, chứng kiến cảnh san hô chết hàng loạt, rất đau xót”, anh Quân, một hướng dẫn viên có kinh nghiệm lặn 20 năm ở Nha Trang cho biết.
Giờ mình khá bất ngờ vì khi lặn xuống, chứng kiến cảnh san hô chết hàng loạt, rất đau xót.
Anh Quân, hướng dẫn viên lặn biển
Khảo sát thực tế tại Hòn Mun cho thấy san hô chết hàng loạt là có thật.
Tại khu vực bắc Hòn Mun - nơi được phép lặn, ở đây có các quần thể san hô mềm, hình não, nấm và khá ít san hô sừng. Số lượng sinh vật biển khá ít, trong khi cầu gai, sao biển, hải sâm khá nhiều, một vài điểm có rác, lưới đánh cá bám vào san hô.
Tại khu vực đông bắc Hòn Mun - hay còn gọi là bãi Mama Hạnh, chúng tôi chứng kiến san hô chết hàng loạt. Một số hướng dẫn viên lặn lâu năm cho biết trước đây khu vực này san hô rất đẹp, ai đến đây đều muốn lặn khu vực này để ngắm.
“San hô chết trắng cả một khu vực rộng lớn, ai lặn ở đây thời gian này đều không khỏi xót xa”, anh K., hướng dẫn viên lặn biển, buồn bã nói.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống khu vực tây nam Hòn Mun. Khung cảnh san hô phủ trắng đáy biển khiến ai cũng bất ngờ. Dưới đáy biển, cả một khu vực rộng lớn không còn một cây san hô sống, một màu xám xịt bao phủ hàng trăm m2. Trên bờ hàng tấn san hô chết bị sóng đánh dạt, chất đống.
“Khu vực này từng là điểm lặn ưa thích của tôi vì nhiều loại san hô và hệ sinh thái phong phú. Mới 2 năm mà giờ cả đáy biển trắng xóa một lớp san hô chết. Tôi không còn tin vào mắt mình nữa”, anh Quân nói.
Nhóm chúng tôi di chuyển về phía nam Hòn Mun, nơi luôn có tàu tuần tra của Ban quản lý Vịnh Nha Trang túc trực. Theo các hướng dẫn viên lặn, khu vực này chỉ cho phép lặn bằng mặt nạ ống thở (snokerling), còn lặn dưỡng khí bị cấm. Theo quan sát, đây là khu vực còn rất nhiều loại san hô sinh sống, hệ sinh thái khá nguyên vẹn.
Tiếp tục khảo sát khu vực đảo Hòn Tằm, tình trạng san hô gãy đổ, chết hàng loạt giống khu vực tây nam Hòn Mun. Đáy biển phủ một màu xám xịt của san hô chết và lớp trầm tích do việc xây dựng trên các đảo lắng đọng gây nên. Khu vực này chúng tôi chứng kiến rất ít sinh vật biển sinh sống.
Cận cảnh san hô chết ở khu bảo tồn Hòn MunĐáy biển ở khu bảo tồn vịnh Nha Trang phủ trắng một lớp san hô chết. Nhà chức trách lý giải nguyên nhân do thiên tai, biến đổi khí hậu thời gian qua.
Qua khảo sát thực tế, nhiều tàu cá lượn lờ quanh khu vực đảo Hòn Mun dù vẫn có thuyền của Ban quản lý vịnh Nha Trang túc trực gần khu vực đảo.
Theo một số hướng dẫn viên, các tàu cá này đậu cách đảo chừng 300 m - khoảng cách không bị xử phạt - và chờ khi vắng lực lượng kiểm tra họ cố tình thả trôi gần khu vực đảo để đánh bắt hải sản.
“Sợ nhất là các tàu giã cào hoặc lưới vây. Mỗi lần họ buông lưới, chắc chắn một lượng lớn san hô bị gãy đổ, bùn ở đáy biển trôi theo phủ lên san hô gây chết”, một hướng dẫn viên cho hay.
Ban quản lý vịnh nói gì?
Trao đổi với Zing, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, thừa nhận có tình trạng san hô chết hàng loạt ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, đặc biệt là vùng lõi Hòn Mun.
Theo ông Thái, vấn đề san hô chết, đơn vị đã báo cáo lên UBND TP Nha Trang.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến san hô chết ở vịnh Nha Trang, trong đó chủ yếu là do thiên tai, cụ thể là 2 cơn bão số 12 cuối năm 2017 và bão số 9 năm 2021. Sau cơn bão số 12, san hô ở vịnh Nha Trang hư hại lên đến 80-90%”, ông Thái cho biết.
Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết sau cơn bão số 12, đơn vị phối hợp với Viện hải dương học và tổ chức liên quan bắt tay ngay vào phục hồi các rạn san hô.
“Sau gần 2 năm nuôi dưỡng, lượng san hô phục hồi khá tốt thì cơn bão số 9 năm 2021 tiếp tục ập tới. Tại các khu vực có mực nước sâu 1-3 m ở vùng lõi Hòn Mun, san hô bị đánh gãy hoàn toàn, đến nay vẫn chưa thể phục hồi. Ngoài ra, các khu vực như Hòn Tằm, Hòn Tre, lượng san hô gãy đổ, chết do bão cũng rất lớn”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, ngoài bão thì yếu tố biến đổi khí hậu, tăng nhiệt độ toàn cầu cũng tác động tiêu cực đến san hô không chỉ ở vịnh Nha Trang mà các khu vực như Phú Quốc (Kiên Giang).
“Nhiệt độ tăng làm san hô chết, cộng thêm sự bùng phát của các loài có hại như sao biển gai đã tẩy trắng san hô, ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái. Các yếu tố trên là khách quan, chúng tôi không thể kiểm soát”, ông Thái lý giải.
Về vấn đề các tàu đánh cá xâm hại đến vùng lõi khu bảo tồn, ông Thái cũng thừa nhận là có xảy ra.
“Thực tế khu bảo tồn rất rộng, mà đơn vị lại ít nhân sự nên khó quản lý. Những tàu cá luôn chực chờ chỉ cần chúng tôi quay đi, họ lập tức đánh bắt trong khi chúng tôi chỉ có một tàu tuần tra kiểm soát. Ngoài ra, việc xử phạt, phát hiện cũng rất khó khăn. Nhiều trường hợp đơn vị phải nhờ đến biên phòng, hải đội kết hợp mới xử lý trường hợp vi phạm được”, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang phân trần.
Cũng theo ông Thái, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, đội tuần tra đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép, trong đó 38 trường hợp câu dắt mực, 7 trường hợp lặn đêm và 4 trường hợp trũ bao đêm, giã cào. Đồng thời, đội cũng lập 4 biên bản sự việc gửi đến UBND phường Vĩnh Nguyên để theo dõi, nhắc nhở, giáo dục với người vi phạm.
Hiện, xung quanh các đảo Hòn Tre, Hòn Tằm - nằm trong vịnh Nha Trang - việc xây dựng diễn ra nhiều năm nay. Một số vị trí được doanh nghiệp xây lấn biển, điều này theo các nhà khoa học nhận định sẽ gây ra tác hại không nhỏ đến san hô khi lớp bụi trầm tích theo dòng chảy phủ lên san hô gây chết.
Ông Thái cho biết việc xây dựng, lấn biển, gây hại cho san hô là có.
“Đơn vị luôn giám sát, kiểm tra việc xây dựng ở các đảo, san lấp biển dẫn đến lượng trầm tích trong nước tăng, tác động xấu đến hệ sinh thái biển. Ngoài ra, nếu phát hiện có sai phạm đơn vị đều báo cáo, tham mưu lên UBND TP Nha Trang để xử lý theo thẩm quyền. Đơn cử như trường hợp lấn biển sai phép ở khu du lịch biển Hòn Tằm gây hại cho khu bảo tồn đã được các cấp chính quyền xử lý mới đây”, ông Thái thông tin.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160 km2, bao gồm 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo.
Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú đa dạng bậc nhất Việt Nam.
Vịnh Nha Trang hiện có khoảng 15 điểm lặn xung quanh đảo. Những điểm lặn này đa số đều nhiều san hô, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Trong đó, đẹp nhất và đa dạng nhất là quanh khu vực Hòn Mun – là vùng lõi của khu bảo tồn nên phải được Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho phép. Tại Hòn Mun, các bãi lặn có tiếng gồm Hòn Rơm hay Madona rock, bãi Madam Hạnh, bãi Coral Garden, bãi Southbay hay Fishing men...
Xuân Hoát