Khung giá cho các loại hình phát điện sẽ được ban hành trong tháng 4/2025

Admin
(Chinhphu.vn) - Về việc xây dựng khung giá cho các loại hình phát điện, Bộ Công Thương cho biết đã cơ bản hoàn thiện dự thảo khung giá. Bộ đang tham vấn ý kiến các chuyên gia và cơ quan liên quan. Dự kiến, khung giá sẽ hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 10/4
Khung giá cho các loại hình phát điện sẽ được ban hành trong tháng 4/2025- Ảnh 1.

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực thông tin tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/4. Ảnh: Cấn Dũng

Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/4, thông tin về Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và trình Chính phủ vào cuối tháng 2/2025. Ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo Kết luận số 141/TB-VPCP yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện các nội dung còn vướng mắc, trình phương án điều chỉnh.

Có khung giá cho các loại hình điện mới

"Chiều nay (4/4), tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì cuộc họp rà soát lần cuối Đề án, nhằm đảm bảo nội dung đáp ứng đúng yêu cầu và có thể hoàn tất trong ngày mai (5/4)", đại diện Cục Điện lực cho biết.

TIN LIÊN QUANInfographics: Cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quânQuy định mới về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quânHoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tầm nhìn đến năm 2050Hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tầm nhìn đến năm 2050

Về việc xây dựng khung giá cho các loại hình phát điện, Cục Điện lực thông tin, ngay từ đầu quá trình xây dựng Đề án, Bộ Công Thương đã xác định đây là nội dung cần thiết để triển khai ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã cơ bản hoàn tất việc rà soát và hoàn thiện các khung giá cho từng loại hình phát điện chính trong hệ thống gồm: Điện than, điện khí, điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối

Bộ Công Thương cũng khẩn trương xây dựng khung giá cho một số loại hình nguồn điện mới hiện chưa có trong hệ thống điện Việt Nam nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới gồm 3 loại hình: Điện gió ngoài khơi; thủy điện tích năng; điện mặt trời có kết hợp pin lưu trữ.

"Các dự thảo khung giá này đã cơ bản hoàn thiện. Bộ đang tham vấn ý kiến các chuyên gia và cơ quan liên quan. Dự kiến sẽ hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 10/4", ông Đoàn Ngọc Dương cho hay.

Xử lý dứt điểm các dự án năng lượng vướng mắc

Về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có Nghị quyết số 233, trong đó nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí và quan điểm xử lý các dự án này.

Theo chức năng, nhiệm vụ, có 3 nhóm vướng mắc và phân định rõ thẩm quyền như sau: Về quy hoạch điện thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; về chồng lấn quy hoạch, đất đai, khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, nơi có dự án; về áp dụng giá FIT, nghiệm thu xây dựng và điều kiện áp dụng giá FIT thuộc thẩm quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

EVN đã tích cực rà soát, trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư và có báo cáo sơ bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp, đặc biệt liên quan đến giá tạm tính và thời điểm vận hành thử nghiệm.

"Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tiếp tục rà soát, đảm bảo quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và xử lý dứt điểm, quyết liệt các vướng mắc, tránh kéo dài", ông Dương nói và nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang đôn đốc rất quyết liệt, sớm có kết quả báo cáo với Chính phủ.

Về tổ công tác xử lý các vướng mắc với nhà đầu tư Thái Lan, ông Dương cho hay, các nhà đầu tư này chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp, mua lại cổ phần sau khi dự án đã vào vận hành. Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác chuyên trách, hiện đang thu thập, rà soát thông tin và dự kiến có buổi đối thoại trực tiếp giữa tuần sau với các nhà đầu tư. Mục tiêu là nắm bắt thực chất các khó khăn, lắng nghe đề xuất và từ đó tổng hợp, tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ và Chính phủ để có hướng xử lý phù hợp.

Vingroup cần bám sát Quy hoạch điện VIII trước khi đề xuất

Thông tin về việc Vingroup đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh loạt dự án năng lượng tái tạo, điện khí LNG, riêng quy mô đầu tư đến năm 2030 là 25-30 tỷ USD, ông Đoàn Ngọc Dương cho biết: Bộ Công Thương đã trình Đề án Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vào cuối tháng 2/2025. Trong tháng 3/2025 đã diễn ra nhiều phiên họp tiếp thu, chỉnh lý. Đề án hiện đã xác lập cơ cấu nguồn điện, loại hình (than, khí, gió, mặt trời...) và dự kiến danh sách các dự án tương ứng với từng loại hình đã được Bộ Công Thương tiếp thu, báo cáo hoàn chỉnh.

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup chỉ mới gửi đề xuất gần đây (khoảng 1-2 tuần). Bộ Công Thương đã trao đổi trực tiếp với Vingroup, và thông báo rằng quy mô, loại hình, địa điểm các dự án điện đã được tổng hợp dựa trên đề xuất của các địa phương và đã đưa vào danh mục trong dự thảo trình Chính phủ.

"Chúng tôi đề nghị nhà đầu tư cần rà soát kỹ nội dung trong dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và đề xuất các dự án phù hợp với cấu trúc đã được phê duyệt, đặc biệt trong giai đoạn 2025 - 2030", Phó Cục trưởng Đoàn Ngọc Dương nhấn mạnh.

Về lâu dài, lãnh đạo Cục Điện lực cho hay, các nhà đầu tư như Vingroup nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung cần bám sát danh mục dự án được duyệt và thực hiện thủ tục đầu tư hoặc đấu thầu tại địa phương, UBND các tỉnh/thành là cơ quan thẩm quyền tiếp nhận đề xuất.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ về đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo. Theo đó, tập đoàn này đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW giai đoạn 2025 - 2035. Số dự án điện tái tạo trên dự kiến được triển khai tại 7 địa phương là Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa. Trong đó, riêng tổng công suất đến 2030 là 20.500 MW, mức đầu tư 20-25 tỷ USD. Các dự án năng lượng tái tạo này gồm nhà máy điện mặt trời (13.900 MW) và điện gió (6.600 MW). 

Tập đoàn này cũng đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG công suất 5.000 MW tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Nếu được bổ sung vào quy hoạch, nhà máy này dự kiến được đầu tư, xây dựng trong 5 năm (2025 - 2030), với tổng vốn khoảng 5,5 tỷ USD. Theo Vingroup, dự án điện khí LNG Hải Phòng sẽ giúp bù đắp công suất cho một số dự án nhà máy nhiệt điện lớn không thể triển khai như BOT Nam Định 1 (1.200 MW), Quảng Trị (1.320 MW), Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) và Sông Hậu 2 (2.120 MW).

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, tiến tới hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Để đủ điện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất đặt nguồn điện cả nước đến năm 2030 (không tính nguồn đồng phát, rủi ro) đạt 211.805 MW, tăng hơn 56.000 MW so với Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt cách đây gần 2 năm.

Phan Trang