
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) - Ảnh: VGP/PT
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025, thông tin tới các phóng viên báo chí về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này hôm 2/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, từ 5/4 Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4/2025, trong đó có áp thuế 46% đối với Việt Nam.
Sẽ có điện đàm cấp Bộ trưởng và cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR)Trước thông tin này, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Hoa Kỳ. Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) để giảm thiểu rủi ro chuyển tải bất hợp pháp.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) nêu trong 6 lĩnh vực cụ thể mà Hoa Kỳ quan tâm: Tiếp cận thị trường; nông nghiệp; ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sở hữu trí tuệ, thương mại số; đầu tư; lao động.
Cũng theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Hoa Kỳ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.
"Bộ Công Thương mong muốn Hoa Kỳ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước", ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, ngay sáng ngày 3/4, sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Bộ Công Thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới, phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Không thay đổi mục tiêu xuất khẩu
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho hay, ngay sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm, cũng như các kênh khác nhau để tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là trưởng đại diện Thương mại Mỹ để tiếp tục có đàm phán. Mục tiêu là nhằm giải thích rõ hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế...
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
"Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta chưa bàn đến việc thay đổi mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu với tinh thần bình tĩnh nhìn tổng thể và toàn diện", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Tận dụng FTA để đa dạng hóa thị trường
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan đến việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như các giải pháp mà Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh giải pháp để đa dạng hoa thị trường xuất khẩu.
Với 17 hiệp định FTA đã ký, Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỉ USD.
Những doanh nghiệp đủ năng lượng được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và lô hàng lớn về xuất khẩu. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia Bộ đã hỗ trợ tích cực nhóm doanh nghiệp này.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa ít kinh nghiệm xuất khẩu, Bộ hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin thị trường để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng. Bộ đã có chương trình đào tạo hướng dẫn thực thi FTA, tổ chức khóa học diễn đàn và hội thảo cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Để khai thác được các FTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và bộ đã hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này. Cùng đó, Bộ cũng đẩy mạnh đàm phán FTA với các nước, song không phải nước nào Việt Nam cũng đàm phán FTA. Việc thảo luận đàm phán trên cơ sở nghiên cứu báo cáo khả thi xem có thể mở cửa những mặt hàng gì, giúp doanh nghiệp hưởng lợi.
Một số nhóm hàng hóa được miễn trừ thuế đối ứng, bao gồm: Nhóm (1): Các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); Nhóm (2): Các mặt hàng thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232[1]. Theo đó, mức thuế đã được áp dụng là 25%; Nhóm (3): Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; Nhóm (4): Các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; Nhóm (5): Kim loại quý; Nhóm (6): Năng lượng và một số khoáng sản Hoa Kỳ không có.
Phan Trang