Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt và lạm phát cao, nhưng không có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nào trong vòng 3-5 năm tới, một báo cáo mới từ Trung tâm Phân tích và Chiến lược châu Âu (CASE) cho biết.
Các tác giả của báo cáo – bao gồm các nhà quan sát kinh tế Nga sát sao nhất – chỉ ra rằng các nhà phân tích đã liên tục hiểu sai về Nga, đánh giá quá cao sức mạnh của các lệnh trừng phạt, đánh giá thấp chất lượng lãnh đạo kinh tế của đất nước và khả năng tái thiết thị trường của nước này trước các lệnh trừng phạt.
Triển vọng kinh tế Nga trong tương lai gần
Nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ sụp đổ sau khi các lệnh trừng phạt chưa từng có được áp dụng vào năm 2022. Và thực sự, tình hình trong vài tháng đầu tiên có thể mô tả là một "cú sốc".
Nhưng trong suốt mùa hè năm đó, nền kinh tế Nga đã bất ngờ "bùng nổ", và vào năm 2024, các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái khi "hiệu ứng boomerang" của các lệnh trừng phạt bắt đầu phát huy tác dụng.
Phương Tây đã đánh giá thấp tốc độ và mức độ thành công mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tái định hướng hoạt động thương mại của Moscow sang Nam Bán cầu và mức độ hội nhập sâu sắc của kinh tế Nga vào các nền kinh tế châu Âu.
Kể từ giữa năm 2023, nền kinh tế Nga đã trải qua những thay đổi quan trọng về mặt cấu trúc: Chi tiêu quân sự tăng lên, địa lý thương mại nước ngoài thay đổi và thu nhập khả dụng thực tế của người dân tăng lên khi tiền lương tăng do tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên.
Thêm nữa, cho đến nay, sự quản lý kinh tế vĩ mô thông minh, đặc biệt là của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina, đã giúp Điện Kremlin duy trì hệ thống tài chính Nga ở mức tương đối lành mạnh.
Tất cả những điều này cùng nhau đã mang lại cho nền kinh tế Nga sức mạnh và sự ổn định, đồng thời giúp nền kinh tế này có khả năng đáp ứng nhu cầu của bộ máy quân sự trong những năm tới, đồng thời cung cấp các nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho các chương trình phúc lợi ở quy mô phù hợp.
Các tác giả của báo cáo mô tả hiện trạng kinh tế Nga là "tăng trưởng mà không phát triển", được đặc trưng bởi sự gia tăng về mặt định lượng trong khối lượng sản xuất các sản phẩm vốn đã có từ lâu, sự mở rộng của lĩnh vực dịch vụ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hạn chế mà không có tiến bộ công nghệ đáng kể.
"Mặc dù tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại vào nửa cuối năm 2024, Nga có vẻ vẫn an toàn trước sự sụp đổ của mô hình kinh tế hiện tại trong tương lai gần: Ngân sách vẫn cân bằng và thu nhập khả dụng thực tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa. Tất nhiên, chi tiêu quân sự tăng lên sẽ gây ra lạm phát gia tăng, nhưng hiện tại nó vẫn được giữ ở mức một con số", các tác giả tại CASE cho biết.
Những lầm tưởng không hề nhỏ
Song song với đó, các tác giả tại CASE cũng chỉ ra những điều vẫn được hiểu sai liên quan đến nền kinh tế của "xứ sở Bạch dương".
Vào tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 11,2% vào cuối năm đó, nhưng ước tính cuối cùng chỉ là -2,1%. Năm 2023, nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% so với dự báo 0,3% của IMF vào tháng 1 năm đó. Và vào năm 2024, con số có thể đạt 3,8-4,0%, trong khi vào đầu năm, các chuyên gia quốc tế đưa ra ước tính khiêm tốn là 1,3%.
"Đây không phải là những lầm tưởng nhỏ", các tác giả tại CASE cho biết, lập luận rằng nó kéo theo sự hiểu lầm sâu sắc về những gì đang diễn ra ở Nga và dẫn đến các khuyến nghị chính sách rất kém.
Họ chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt không hiệu quả vì "cộng đồng quốc tế" thực chất chỉ là một số ít các quốc gia tạo nên Bắc Bán cầu, và ngay cả ở châu Âu, trong chính EU, ý chí áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng không đồng nhất hoặc chỉ được thực thi một cách yếu ớt.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng tiếp tục đóng vai trò là trung gian cho hoạt động thương mại với Nga, trong khi Áo và Hungary tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga, và các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức tiếp tục xuất khẩu những chiếc xe hạng sang sang Nga qua Belarus.
Đây chỉ là một số trong nhiều ví dụ về cách các lệnh trừng phạt đang bị né tránh. Việc phương Tây không thuyết phục được Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Bán cầu – chiếm 90% dân số thế giới – đứng về phía mình đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong chế độ trừng phạt.
Một tính toán sai lầm khác là việc cho rằng Nga đổ hết sự tăng trưởng vào khu vực công nghiệp-quân sự.
Thực ra khu vực dân sự cũng phát triển mạnh mẽ. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự tăng trưởng này, nhưng quan trọng nhất là các doanh nghiệp Nga đã phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách đầu tư mạnh vào việc tái trang bị các nhà máy để thay thế công nghệ phương Tây khó tiếp cận, và tiêu dùng bùng nổ do thu nhập khả dụng thực tế tăng nhanh.
"Có vẻ như sự phát triển của nền kinh tế Nga trong 2 năm qua, cũng như tác động thực sự của các lệnh trừng phạt, đáng lẽ phải dẫn đến việc đánh giá lại chất lượng chuyên môn mà các nhà hoạch định chính sách sử dụng – nhưng điều này vẫn chưa xảy ra", các tác giả tại CASE cho biết.
Hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 13/11 dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (Rosstat) cho biết, mức tăng trưởng GDP của Nga trong quý III/2024 được ước tính tạm thời ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Rosstat đã xác nhận trước đó mức tăng trưởng GDP quốc gia là 4,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý II/2024.
Ngành chế biến là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, trong đó phân khúc máy móc đóng góp lớn nhất. Các chỉ số cao đã được chứng minh bằng sản lượng của từng loại phương tiện cơ giới và thiết bị, bao gồm toa xe lửa và đầu máy xe lửa.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 8/11 cho biết, tăng trưởng kinh tế Nga vào cuối năm 2024 sẽ đạt 3,9% và đến năm 2027, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 13% so với năm 2024.
Vị quan chức Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì vị trí thứ 4 của Nga trong số các nền kinh tế thế giới xét về sức mua tương đương (PPP), và tiếp tục phát triển hơn nữa.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Foreign Policy, TASS)