Kỳ cuối: Hiến kế phòng ngừa xâm hại tinh dục trẻ em

Admin
(PNTĐ) - Thực tế cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại đã để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Đã đến lúc cần nhấn mạnh đến trách nhiệm thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đảm bảo trẻ em có quyền “được sống”, quyền “được phát triển”, quyền “được bảo vệ” đã được quy định trong hệ thống luật pháp hiện hành.
Kỳ cuối: Hiến kế phòng ngừa xâm hại tinh dục trẻ em - ảnh 1
Hội LHPN Hà Nội ra mắt mô hình Làng quê an toàn tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động Chương trình và đối tác, tổ chức Plan International tại Việt Nam, môi trường sống gắn bó với trẻ em bao gồm gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong đó, gia đình là nơi gắn bó mật thiết với các em nhất, tưởng chừng như an toàn nhất lại là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Dựa trên kết quả nhiều năm làm việc với trẻ em ở các địa bàn khác nhau, bà Quỳnh Lan cho rằng, nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục đến từ các nguyên nhân như: Không gian sống chật hẹp, không được đảm bảo về quyền riêng tư cá nhân của con cái, cha mẹ và anh chị em trong gia đình; trẻ em thiếu kiến thức bảo vệ mình và không biết cách lên tiếng để được bảo vệ; hệ thống hỗ trợ trẻ em còn thiếu, yếu, khiến trẻ “bơ vơ” khi sự cố xảy ra… 

Vì vậy, việc xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em là rất cần thiết. Những năm qua, Hội LHPN TP Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm xây dựng môi trường sống an toàn thân thiện cho trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. 

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em như tuyên truyền kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình; trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nhận diện những hành vi có nguy cơ và không an toàn đối với phụ nữ, trẻ em; thực hiện có hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2017-2027 và Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”; phối hợp với Tổ chức Quốc tế Plan Quốc tế tại Việt Nam triển khai hiệu quả Dự án Tự tin là chính mình và Dự án Thành phố An toàn, thân thiện đối với trẻ em gái tại 6 đơn vị quận huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì…  

Các mô hình “Làng quê an toàn” tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên); xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai)… đã thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại; tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội; đồng thời huy động sự tham gia của nam giới trong chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em…
Gia đình cần trang bị kỹ năng sống, phòng chống xâm hại cho trẻ
TS, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an cũng nhấn mạnh, việc giúp trẻ nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng là điều hết sức cần thiết. Ngay từ nhỏ, trẻ cần được dạy các kỹ năng cũng như nhận thức về xâm hại tình dục trẻ em để không chủ quan trước những tình huống nhạy cảm cũng như có kỹ năng thoát hiểm ngay từ đầu. 

Theo đó, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ kiến thức giới tính, chỉ rõ cho con thấy chỗ nào là nhạy cảm, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình không để người khác chạm vào, cũng như không được chạm vào của bạn khác, của người lớn, dạy bé trai không được xâm phạm các bạn nữ. Khi được giáo dục, trẻ sẽ phân biệt được sự đụng chạm an toàn và không an toàn bằng cảm nhận của mình. Ngoài ra, cha mẹ phải luôn cảnh giác trước hành vi của người lớn xung quanh trẻ như có hành động quan tâm quá mức, tặng quà, cho tiền, yêu cầu được ở một mình với trẻ, đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác. Cha mẹ hãy đồng hành, thường xuyên trao đổi, trò chuyện về mối quan hệ của con và những người xung quanh, luôn lắng nghe những câu chuyện của con dù nhảm nhí, thuyết phục con kể cho bạn nghe tất cả những gì xảy ra trên đường phố, để con có sự tin tưởng, sẻ chia, không im lặng trong các trường hợp nghiêm trọng. 

TS.BS CKII. Mai Trọng Hưng - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng, mạng xã hội đang phát triển chóng mặt, trẻ em dễ dàng tiếp cận với những nội dung nhạy cảm và học hỏi theo nên gia đình, thầy cô cần cởi mở hơn trong giáo dục giới tính cho trẻ. Bác sĩ cho rằng, gia đình và nhà trường cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ. Các gia đình cần quản trị tình huống khi các con đến tuổi dậy thì, giáo dục cho con biết cách bảo vệ cơ thể mình, không nên để trẻ khác giới tính ở cùng nhau trong phòng…

“Chúng ta cần dành 90% nỗ lực cho công tác phòng ngừa. Khi phòng ngừa càng hiệu quả, vấn đề ứng phó sẽ tốt hơn” - bà Lê Quỳnh Lan cho biết. Theo đó, phòng ngừa với xâm hại tình dục trẻ em không chỉ nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em mà còn giúp cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ thay đổi hành vi như giáo dục bằng phương pháp trừng phạt, đổ lỗi cho nạn nhân; cần đưa giáo dục giới tính vào một chương trình học hiệu quả. Thông qua các hoạt động giáo dục của nhà trường, trẻ không chỉ được cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giới tính mà còn biết có kỹ năng tự bảo vệ mình trước hành vi xâm hại. Cha mẹ, thầy cô cần dạy trẻ có quyền nói không trước những cái ôm không an toàn; giáo dục trẻ về quyền trẻ em, trong đó có quyền được lên tiếng, quyền được bảo vệ và tham gia vào các hoạt động liên quan đến trẻ; một số quy định của pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em, giúp trẻ xây dựng sự tự tin để lên tiếng trước các hành vi xâm hại tình dục…
Trách nhiệm phòng ngừa của cả cộng đồng
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, một trong những trách nhiệm lớn và sâu xa để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp tỉnh. 

Cục trưởng Cục Trẻ em nêu thực tế, hiện nay người làm công tác bảo vệ trẻ em được chỉ ra trong Luật trẻ em 2016, các địa phương đang giao nhiệm vụ này cho công chức lao động thương binh xã hội cấp xã, điều này hoàn toàn không phù hợp. Bởi công chức lao động thương binh xã hội là người đã gánh trên vai khoảng 9 đến 10 nhiệm vụ của ngành ở cấp chính quyền cơ sở. Do đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, công chức lao động thương binh xã hội ở tuyến xã không thể đủ năng lực, thời gian và công sức để thực hiện những trách nhiệm của mình được quy định trong Luật. 

Mặc dù ở một số địa phương, có vài điểm sáng như Hội đồng nhân dân đã ra nghị quyết để bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm nhận chính vai trò là người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp sâu xa cho vấn đề bố trí nguồn lực. “Ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện, vận hành được mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó việc triển khai phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp đưa ra là làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã theo quy định của Luật Trẻ em - đó chính là những nhân viên công tác xã hội cấp xã. Bên cạnh đó phải tăng cường năng lực của đội ngũ các đoàn viên, hội viên Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên cấp xã để họ được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội và tham gia một cách thường xuyên, bài bài và bền vững hơn trong công tác bảo vệ trẻ em” - ông Nam nói.

Ngoài Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc, còn có Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam đã giúp hàng ngàn nạn nhân có được môi trường sống tốt hơn, sớm ổn định về thể chất cũng như tinh thần sau những hành vi bạo lực, xâm hại. Cục Trẻ em cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cho ra đời những mô hình bảo vệ trẻ em “một cửa và tích hợp”, bởi công tác bảo vệ trẻ em liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau và cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng. 

Chị Nguyễn Thùy An, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam) kiến nghị, để xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, giúp trẻ tránh được nguy cơ bị xâm hại, chúng ta cần tiếp tục thực thi tốt các điều khoản được quy định trong đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ em cùng những đề án, chương trình hành động, chiến lược, nghị quyết… trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.