Ký ức Làng Nủ của những người lính 'chiến đấu trong thời bình'

Admin
(Chinhphu.vn) - Với những người lính trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong đợt bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, ký ức về những tháng ngày gian lao cùng sự mất mát của bà con vẫn còn đọng lại trong tâm trí. Ở thời điểm khó khăn nhất, bản lĩnh, phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" luôn tỏa sáng, là điểm tựa vững chắc giúp người dân vơi đi những đau thương, sớm ổn định cuộc sống.
Ký ức Làng Nủ của những người lính 'chiến đấu trong thời bình'- Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2), người trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn tại Làng Nủ, nhớ lại: "Ngày 10/9/2024, Trung đoàn chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân chống lũ tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đến khoảng 23h đêm, tôi nhận mệnh lệnh của đồng chí Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn 316 nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, cơ động gấp 300 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại thôn Làng Nủ. Ngày 11/9/2024, đúng 5h sáng, chúng tôi lên đường và đến 12h30', đơn vị đã có mặt tại Làng Nủ".

Qua lời kể của Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, ngày 11/9 hôm đó, trời mưa tầm tã, quá trình di chuyển gặp nhiều khó khăn do trời mưa to, nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 10h trưa, Trung đoàn đến Km 78, Quốc lộ 70 và chia làm hai đội. Một đội di chuyển bằng ô tô theo đường xã Lương Sơn, cách Làng Nủ khoảng 3 km thì phải đi bộ do đường bị sạt lở nặng, đến 12h30' thì tiếp cận được Làng Nủ. Đội còn lại đi bộ, đem ba lô, phương tiện theo Quốc lộ 70 đến Thủy điện Long Phúc. Lên đến nơi, các chiến sĩ nhanh chóng bắt tay vào tìm kiếm những nạn nhân mất tích tại khu vực sạt lở và tìm kiếm từ Thủy điện Long Phúc ngược theo bờ suối 10 km lên Làng Nủ.

"Khi lên đến đó, cảnh tượng tan hoang và tang thương hiện ra trước mắt chúng tôi. Bà con khóc rất nhiều. Chúng tôi lặng người khi nghe câu nói 'dưới đống bùn đất là một bản làng'. Tôi và đồng đội động viên nhau nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân xấu số, coi họ như người thân của mình", Trung tá Ba nhớ lại.

Khoảng 16h chiều 11/9, các chiến sĩ tìm thấy thi thể đầu tiên. Khi được đưa lên khỏi bùn đất, thi thể không còn nguyên vẹn. Trong tình cảnh đó, mọi người đều rơm rớm nước mắt vì thương nạn nhân và tự hứa sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm các nạn nhân khác, sớm đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ký ức Làng Nủ của những người lính 'chiến đấu trong thời bình'- Ảnh 2.

Các chiến sĩ của Trung đoàn 98 tìm kiếm các nạn nhân dưới lớp bùn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Các chiến sĩ phải lội bùn, dùng gậy tre, gỗ nhỏ thăm dò các vị trí. Khi nghi ngờ có nạn nhân nằm bên dưới thì dùng cào, cuốc, xẻng cẩn thận đào, bới, gạt từng lớp bùn đất mỏng để không làm tổn thương thêm di thể nạn nhân. "Họ đã đau một lần, chúng tôi không muốn làm họ đau thêm một lần nữa. Vì vậy, khi phát hiện được nạn nhân, chúng tôi bảo nhau thật nhẹ tay", Trung tá Nguyễn Ngọc Ba chia sẻ.

Sau 2 ngày, các chiến sĩ tìm thấy hơn 10 thi thể nạn nhân. Con số thương vong liên tục tăng lên, cùng với đó là những cỗ quan tài được vận chuyển tới xếp chồng lên nhau khiến khung cảnh càng thêm đau lòng. Cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục giúp những gia đình có người tử vong đưa nạn nhân đến điểm chôn cất. Quãng đường rất xa, cùng với việc trời mưa, đường đi bị chặn lại do sạt lở nên các chiến sĩ phải băng rừng, vượt núi, khiêng những cỗ quan tài đến nơi cho kịp giờ làm lễ mai táng.

Ký ức Làng Nủ của những người lính 'chiến đấu trong thời bình'- Ảnh 3.

Trung tá Nguyễn Ngọc Ba (bên trái) chỉ huy các chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lo cho dân và lo cho mình

Ký ức ùa về, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 nhớ lại, ngay buổi chiều đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân dưới lòng suối, các chiến sĩ gặp tình huống nước lũ về nằm ngoài dự kiến. Sau tiếng nổ lớn (do sạt lở), bà con la lên "Chạy đi, lũ về!". Tình huống khẩn cấp, không có thiết bị chính quy như khi ở đơn vị, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba đã dùng chiếc bình ga hỏng làm "kẻng" và cái xà beng cũng trở thành "búa gõ" để báo động cho cán bộ, chiến sĩ kịp thời cơ động lên vị trí an toàn.

Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, Binh nhất Thào Mí Lình dẫm phải đinh sắt, bị chảy máu nhiều nhưng vẫn cố gắng, chịu đau tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Do vết thương chuyển nặng nên Binh nhất Thào Mí Lình buộc phải chuyển về điều trị tại Bệnh viện 109. Ngồi trên xe cứu thương, Lình bật khóc vì không thể ở lại tiếp tục nhiệm vụ. 

Tại khu vực bị lũ quét đi qua, bùn đất lầy lội, nhiều chỗ sâu đến gối, đến bụng, có chỗ sâu hơn. Trong khi đó, không khí ô nhiễm rất nặng, thiếu nước sạch để sinh hoạt, tắm rửa. Sau hơn một tuần dầm mưa, dãi nắng, lội bùn non, các chiến sĩ cũng thấm mệt. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, quan tâm của chỉ huy các cấp; sự đùm bọc, yêu thương của bà con, các chiến sĩ luôn giữ vững tinh thần và động lực cố gắng tìm kiếm người mất tích, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Ký ức Làng Nủ của những người lính 'chiến đấu trong thời bình'- Ảnh 4.

Các chiến sĩ của Trung đoàn 98 trải qua 2 tuần dầm mình dưới bùn lầy để tìm kiếm nạn nhân - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tình quân dân

Trung tá Nguyễn Ngọc Ba chia sẻ, trong những ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích, các cán bộ, chiến sĩ luôn được nhân dân bao bọc, yêu thương. "Bà con cho chúng tôi nhiều hoa quả, bánh trái. Có người sửa lại toàn bộ hệ thống nước để bộ đội có nước tắm".

Qua 2 tuần tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại Làng Nủ, các cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng tìm thấy 55/66 người thiệt mạng và còn 11 người mất tích. Được lệnh của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Trung đoàn 98 rút quân về đơn vị, bàn giao lại khu vực tìm kiếm cho lực lượng địa phương.

"Không khí buổi chia tay rất nghẹn ngào, xúc động. Trên đường ra về, bà con đứng dọc hai bên đường để chào tạm biệt với những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt. Người dân trao tận tay chúng tôi những chiếc bánh chưng, gói xôi, chai nước lọc… Bản thân anh em cũng không cầm được nước mắt", Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 xúc động nói.

Ngày chia tay, Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Yên đã trao cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 lá cờ Tổ quốc trên nóc nhà văn hóa tại thôn Làng Nủ có in dòng chữ "LÀNG NỦ (10-24/9/2024)". Nhận lá cờ, các cán bộ, chiến sĩ đều rơm rớm nước mắt. Đây không chỉ là tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của người dân Làng Nủ mà còn giúp tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các chiến sĩ để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn 98 lao vào tâm lũ, dầm mình dưới bùn lầy, lật từng lùm cây, bãi cỏ, khe suối để tìm kiếm người mất tích thể hiện tinh thần sẵn sàng xả thân, vì nhân dân phục vụ của những người lính. Chia tay Làng Nủ, những chiến sĩ của Trung đoàn 98 lại lên đường, với hành trang là tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia giữa các đồng đội và tình cảm đùm bọc, yêu thương của người dân để tự tin hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xúc động ngày chia tay lực lượng quân đội cứu nạn ở Làng NủXúc động ngày chia tay lực lượng quân đội cứu nạn ở Làng Nủ
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khởi công xây dựng khu tạm cư cho người dân Làng NủKhởi công xây dựng khu tạm cư cho người dân Làng Nủ
Tham khảo thêm
Triển khai xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng NủTriển khai xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ