Ký ức tàu chợ

Admin
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang có quyết tâm rất cao để hiện thực hóa ước mơ đường sắt tốc độ cao xuyên Bắc Nam. Mấy hôm nay, trên diễn đàn Quốc hội và cả trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội đều rất sôi nổi bàn về chuyện này.

Trong rất nhiều ý kiến, tôi chú ý tới ý kiến Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Tất nhiên rồi, ông là tư lệnh ngành, tức là người đại diện cho bộ có chuyên môn sâu, ông giải trình trước Quốc hội: "trên tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ có hai loại tàu với vận tốc khác nhau. Loại tàu thứ nhất chạy tốc độ 350 km/h, chỉ dừng lại ở 5 ga trên toàn tuyến. Khi đó, thời gian tàu chạy 5,5 giờ từ Hà Nội đến Tp.HCM là đã bao gồm thời gian dừng ở các ga. Nếu dừng lại ở tất cả 23 ga thì không thể đạt được tốc độ 350 km/h.

Loại tàu thứ hai chạy tốc độ bình quân 280 km/h sẽ dừng lại ở tất cả ga theo từng đoạn tuyến cho người dân lựa chọn như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Tp.HCM... 

Theo thiết kế của Bộ Giao thông Vận tải, toàn tuyến đường sắt tốc độ cao có 85 đoàn tàu và có thể tăng lên. Nhà đầu tư, doanh nghiệp nếu nhận thấy có thể kinh doanh thì mua tàu và thuê đường ray để chạy. Với tốc độ thiết kế nêu trên, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chỉ chở khách và sử dụng lưỡng dụng khi cần thiết như phục vụ an ninh quốc phòng".

Rất nhiều người hồ hởi đợi đến ngày sẽ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn. Và đang có ý kiến là mở đường sắt cao tốc tới Cần Thơ nữa, và như vậy thì sẽ ăn bữa lỡ ở Cần Thơ rồi khoảng 9 giờ tối quay về ăn khuya ở ngõ Cấm Chỉ, (Hà Nội) rồi về nhà ngủ.

Tôi thì bồi hồi nhớ thuở... tàu chợ.

Ký ức tàu chợ- Ảnh 1.

Bây giờ có khi nhiều bạn trẻ chả hình dung tàu chợ là gì, toa đen là gì?

Mười ba tuổi, mẹ chở tôi ra ga Nghĩa Trang, Thanh Hóa, mua vé tàu chợ rồi thả tôi lên một toa tàu, mình tôi ra Ninh Bình thăm bà ngoại. Tất nhiên trước đấy đã vài lần tôi đi cùng ba mẹ nên mới tự tin đi một mình như thế. 

Trong cái tay nải tôi đeo có... nắm cơm mẹ gói cho, kèm túm muối vừng đùm trong lá chuối hơ lửa, lên tàu đói thì ăn.

Tàu có ghế và số ghế, nhưng số người ngồi bệt dưới sàn có, và mắc võng lủng lẳng dưới cái giá để đồ cũng nhiều.

Quan trọng là, nó chạy khoảng... 1 ngày thì tới, mà Thanh Hóa cách Ninh Bình khoảng chưa đầy 70 km. Nó chạy chậm bởi thứ nhất nó chạy rất chậm, có cảm giác vừa chạy vừa... bò, thứ 2 nó dừng ở tất cả các ga. Mà ngày xưa, khoảng cách các ga rất gần. Ví dụ từ ga Thanh Hóa tới ga Nghĩa Trang khoảng 12 km, ga Nghĩa Trang tới ga Lèn (cái ga từng có tên trong thơ nhà thơ Nguyễn Duy): Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất/đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn" cũng khoảng chừng ấy.

Và tàu hỏa thời ấy là một phương tiện giao thông vừa quan trọng vừa trữ tình. Quan trọng là bởi phương tiện cá nhân toàn... xe đạp, mà cũng phải "nhà có điều kiện" mới có xe đạp. Xe khách rất hiếm, mà nước ta thì dài, rất phù hợp tàu hỏa. Trữ tình là té ra tàu dẫu chật chội hôi hám, thậm chí bẩn thỉu, nhưng rất nhiều người cầm vé rồi mơ ước người ngồi cùng ghế với mình là một... cô gái xinh đẹp. Rất nhiều áng văn thơ hay đã lấy ga làm "nhân vật trung tâm", những chia ly, những nước mắt, những mối tình dang dở... các nhà văn nhà thơ nhạc sĩ đều... đổ hết cho ga tàu và những chuyến tàu.

Tôi dân văn chương, học và đọc và biết và ngưỡng mộ nhóm Tự lực Văn đoàn từ bé, mà cũng phải cách đây khoảng chục năm, mới được nhà văn Phan Đình Minh quê ngay Cẩm Giàng đưa về nhà anh và thăm ga Cẩm Giàng. 

Cảm giác ban đầu khi Phan Đình Mình hô lên: Cẩm Giàng rồi, đấy là… thấy nó quạnh vắng tiêu điều. Nhưng hình như thế thì nó mới còn phảng phất "tự lực văn đoàn", chứ giờ mà lại hiên ngang bê tông cốt thép xanh đỏ tím vàng thì còn đâu cái ga xép, còn đâu bóng hoàng lan, còn đâu cái phố huyện buồn mà dẫn dụ kinh người trong văn các ông. 

Tôi nhớ khi học đại học Tổng hợp Huế, có một thầy ở đại học sư phạm được mời sang dạy chuyên đề "tự lực văn đoàn", có cảm giác ông này mê Tự lực văn đoàn đến mất ăn mất ngủ, trong đó mê nhất là truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam, ông cứ 5 câu thì 3 nhắc về "dưới bóng hoàng lan", ông say mê đọc chính xác từng đoạn rồi bình, rồi dẫn. Riêng cái cây Hoàng lan của Thạch Lam ông chơi nguyên một buổi, chưa kể các tiết khác tranh thủ… nhắc thêm. 

Hồi ấy là năm nhất, Huế mới thống nhất, các cô gái Huế dẫu khác chúng tôi từ Bắc vào, là được học, đọc Tự lực văn đoàn từ bé, thế mà vẫn ngơ ngẩn nghe thầy giảng. Còn tôi thì quả là, suốt bao nhiêu năm ngoài Bắc, nghiện đọc sách hơn nghiện cơm ăn nước uống mà đã bao giờ được thỏa thuê đọc các ông Tự lực văn đoàn đâu, cấm mà? Trưa nắng và vắng, tôi thả bước dọc đường ray, chừng 500 mét từ chỗ ngã tư cắt đường tàu ngược về ga, và tưởng tượng. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu thổn thức, bao nhiêu mụ mị… đã loanh quanh ở cái bán kính nhỏ này.

Ấy lại nhớ thời sinh viên. Tôi nhà ngay ở Thừa Thiên Huế, không phải đi tàu, còn các bạn tôi là vua... nhảy tàu. Gần nhất là tàu Huế- Đông Hà (ra phía Bắc), hoặc Huế- Đà Nẵng (vào phía Nam), trên dưới 100 cây số, còn xa thì Hà Nội, Nha Trang... Vì là "chủ" nên tôi hay xung phong ra ga xếp hàng suốt đêm mua vé cùng các bạn mỗi khi tết hoặc hè, để rồi khi các bạn lên tàu thì mình buồn ngơ ngẩn. Vừa rồi họp lớp sau hơn bốn mươi năm ra trường, có hẳn một kế hoạch lên ga Huế uống trà đêm. Tiếc là kế hoạch ấy không thực hiện được, nhưng nhiều lớp sau đã làm.

Nhưng số nhảy tàu lậu vé cũng đông gần ngang bằng số mua vé. Số này có 2 vũ khí để trốn kiểm soát: một là... nước mắt và thẻ sinh viên, đa phần là các bạn nữ sử dụng. Và hai là... lủi, thường xuyên mắt trước mắt sau, thấy nhân viên soát vé tới toa này thì lẩn sang toa kia, thậm chí leo lên nóc tàu. 

Thực ra nhân viên nhà tàu họ biết cả, nhưng họ lơ cho sinh viên nghèo. Lâu lâu họ làm một cú, trúng ai nấy chịu, là kiểm soát chặt, cả trên tàu và cửa ra của ga, và hình như phải mua vé gấp đôi gấp ba gì đấy.

Và rất nhiều mối tình sinh viên đã nảy nở từ những chuyến tàu chợ như thế. Bao bọc nhau cũng có, đụng chạm nhau cũng có, họp lớp là lúc họ nhẩn nha "hồi ký" nghe vừa thương vừa thảm, thậm chí có người thốt lên, làm sao chúng ta có thể qua được cái thời ấy nhỉ?

Nhưng cái thời ấy, nó vẫn rất lãng mạn và bay bổng. Bạn tôi đi từ Huế vào Nha Trang theo đoàn sinh viên Huế đi dự hội thao của bộ Đại học về kể, lên tàu gặp nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, ông ôm đàn lang thang trên tàu, gặp sinh viên, ông sà vào và tập cho các bạn hát bài "Tàu anh qua núi". Bạn tôi là một trong những người đầu tiên phổ biến bài hát "tàu anh qua núi" ở Huế bằng cái giọng rất phản âm nhạc như thế.

Ngay bây giờ thì ngành đường sắt cũng đã có nhiều đổi mới rồi. Tôi mới làm một cú tàu hỏa Quy Nhơn Huế. Toa lạnh, giường nằm sạch sẽ, và đặc biệt là món... toilet. Giờ ít người tin là, có một thời cái WC trên tàu là một cực hình, nên đa phần là... cố nhịn. Kinh hoàng nhất là nó... xả thẳng xuống đường. Nhớ hồi ấy có bài báo đã thống kê một chuyến tàu Bắc Nam thải thẳng xuống đường mấy tấn... phân tươi. Dân Thanh Hóa hồi ấy còn được gắn với câu: Ăn rau má phá đường tàu. Giờ, rau má là đặc sản...

Còn rất nhiều chuyện về tàu hỏa thời bao cấp, và cả đã xóa bao cấp. Tôi cứ ghim mãi trong trí óc non nớt cái đận một toa tàu chở đạn vào Nam bị nổ ở ga Nghĩa Trang. Việc cần làm là phải cắt toa ấy ra khỏi đoàn tàu, và đẩy nó ra chỗ khác. Giữa tiếng nổ đinh tai và khói lửa mịt mù, một tiếng hô rất to: các đồng chí đảng viên và đoàn viên tiến lên cứu tàu. Và cả loạt người lao vào đẩy được toa tàu ra xa để không nổ/ cháy lây vào đoàn tàu chở vũ khí.

Mấy năm nữa, những câu chuyện ấy sẽ là cổ tích. Có khi đi tàu cao tốc còn thích hơn đi máy bay, bởi được ngắm cảnh...

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!