Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 80 con

Admin
Loài vật này đặc trưng bởi một chiếc sừng duy nhất, từng được tìm thấy trên khắp vùng Đông Bắc Ấn Độ và Đông Nam Á.

Theo TTXVN, ngày 13/9, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết nước này đã chào đón sự ra đời của một con tê giác Java con - một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng nhất thế giới, báo hiệu tin vui về công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Theo đó, một đoạn phim được quay cách đây vài tháng từ một camera tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, khu bảo tồn ở mũi phía Tây của đảo Java, cho thấy con tê giác con Iris đang đi cùng tê giác mẹ.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 80 con- Ảnh 1.

Tê giác Java tại Công viên quốc gia Ujung Kulon (tỉnh Banten, Indonesia). Ảnh: AFP/TTXVN

Tê giác con Iris cũng là con đầu tiên của tê giác mẹ và ước tính nó khoảng 3-5 tháng tuổi. Điều này mang lại hy vọng cho việc bảo tồn và tăng cường quần thể tê giác Java trong tương lai.

Satyawan Pudyatmoko - quan chức cấp cao của Bộ Môi trường Indonesia - đã chia sẻ niềm vui trong một tuyên bố, gọi sự phát hiện này là "tin tốt" và là minh chứng cho việc tê giác Java vẫn có khả năng sinh sản bình thường trong môi trường tự nhiên.

Năm ngoái, Indonesia cũng đã phát hiện một con tê giác Java cái, được cho là sinh vào tháng 2/2023.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ còn 80 con- Ảnh 2.

Tê giác Java. (Nguồn: AFP)

Tê giác Java có tên khoa học Rhinoceros sondaicus. Đặc điểm nhận dạng: chỉ có một sừng, nhưng chiều dài cơ thể ngắn hơn tê giác Ấn Độ, khoảng 3,1-3,2m. 

Loài này từng được tìm thấy trên khắp vùng Đông Bắc Ấn Độ và Đông Nam Á. Hiện nay, chúng nằm trong số 5 loài tê giác bị đe dọa nhất, chủ yếu là do nạn săn trộm.

Theo Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế, trên thế giới chỉ còn có khoảng 80 con tê giác Java, tất cả đều ở Indonesia.

Loài vật quý hiếm bậc nhất thế giới, tưởng đã tuyệt chủng bất ngờ tái xuấtLoài vật quý hiếm bậc nhất thế giới, tưởng đã tuyệt chủng bất ngờ tái xuấtĐỌC NGAY

Những nghiên cứu đầu tiên về loài tê giác này xuất hiện vào năm 1787, khi hai con vật bị bắn chết tại Java. Nhà tự nhiên học người Đức Petrus Camper (mất năm 1789) đã coi chúng là một loài riêng biệt.

Tê giác Java là loài động vật sống đơn độc, ngoại trừ những khi giao phối và mẹ cùng con non. Chúng rất thích ngâm mình trong bùn để duy trì cho cơ thể luôn mát mẻ và chống được bệnh tật và sinh vật ký sinh. 

Vào năm thứ 3, con cái đã thuần thục trong việc sinh sản, còn con đực là vào tuổi thứ 6. Thời gian mang thai của chúng ước lượng khoảng 16-19 tháng. Sau 5 năm chúng mới có thể giao phối lại để sinh lứa tiếp theo.

Trước đó, ngày 12/6, Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết khoảng 26 con tê giác Java quý hiếm đã bị giết chết kể từ năm 2018 đến nay. Loài tê giác đặc hữu của Java đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Một tòa án ở Banten đã kết án đối tượng cầm đầu một trong những nhóm săn trộm tê giác 12 năm tù giam, sau khi người này bị kết tội đã giết chết ít nhất 6 con tê giác Java tại Công viên quốc gia Ujung Kulon, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023.

Ông Ardi Andono, người đứng đầu Công viên Quốc gia Ujung Kulon, cho biết an ninh sẽ được tăng cường tại công viên này.

Theo đó, công viên sẽ thiết lập hệ thống bảo vệ toàn diện cho bán đảo rộng 35.000 ha. Các nhân viên đang thực hiện tuần tra 24 giờ/ngày cả trên đất liền và trên biển.

Số đội tuần tra cũng tăng từ 4 lên 7 đội và được trang bị máy bay không người lái nhiệt và camera để theo dõi mọi hoạt động xâm nhập.

Minh Hoa (t/h)