Nhân dân cũng không bất ngờ trước sự kiện này. Thậm chí nhiều người còn cho biết, căn cứ vào tình hình nhân sự và con người hiện tại, họ nhận định điều ấy ngay khi TBT Nguyễn Phú Trọng vừa mất. Người xưa nói, nước không thể một ngày không có vua, bây giờ, như TBT Tô Lâm nói: "Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới mất đi là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta; ở thời khắc này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế đang còn rất xúc động, chưa vơi niềm tiếc thương vô hạn đối với Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của chúng ta.
Song, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên cấp bách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống của Nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Và ngay trong bài phát biểu nhậm chức và trong phát biểu ở cuộc họp báo quốc tế ngay sau đấy, tổng bí thư Tô Lâm đều nói: "không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực..."- Phát biểu nhậm chức, và "Tôi cũng khẳng định lại truyền thống sẽ kế tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng", phát biểu họp báo quốc tế. Ông còn: "chia sẻ việc cá nhân cũng may mắn khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công an cũng đồng thời làm Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp tham gia chỉ đạo mặt công tác này.
Bây giờ được sự tin tưởng của Đảng, tín nhiệm của nhân dân, bầu tôi làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng thời giao luôn trọng trách làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tôi tin là công việc này chúng ta sẽ tiếp tục phát huy. Rất mong được sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí, cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự giám sát của nhân dân, đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công tác này thì chúng ta sẽ thành công".
Và, sau những phát biểu ở buổi sáng ở hai nơi như thế, ngay buổi chiều, Ban chấp hành Trung ương đã làm tiếp ngay một việc mà người dân gọi là "cụ thể hóa" lời hứa, là bỏ phiếu cho một lúc 4 vị quan chức cao cấp thôi chức trong Đảng, trong đó có 1 phó thủ tướng, bí thư Trung ương Đảng, và 3 ủy viên Trung ương là bộ trưởng và bí thư tỉnh. Cuộc họp này là phiên chủ trì họp BCH đầu tiên với tư cách Tổng bí thư của ông Tô Lâm.
Nó chứng tỏ, lời nói đã rất đi đôi với việc làm.
Đáng nói, 4 vị bị cho thôi chức lần này đều trẻ, có người sinh mới năm 1976 và đã kinh qua các chức vụ quan trọng: phó chủ tịch, chủ tịch, bí thư tỉnh, rồi bộ trưởng, tức là đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, được thử thách, rèn luyện, và được đánh giá là có năng lực. Nhưng biết làm sao, đã "vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" thì đều không có vùng cấm, không có ngoại lệ, và họ phải chịu trách nhiệm bản thân về những việc làm sai của mình.
Trước đó, trong một cuộc họp của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban cho biết, chỉ trong 6 tháng đã kỷ luật và đề nghị kỷ luật 39 cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó đã kiến nghị cho thôi giữ chức vụ với 5 cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Việc cho 4 cán bộ cao cấp của Đảng thôi giữ chức lần này cũng vẫn trong cái mạch chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, nhà nước được khởi lên từ cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cố Tổng bí thư từng được nhân dân gọi bằng những từ trìu mến như cụ Tổng, bác Cả, Người đốt lò vĩ đại, và ngay ở bài phát biểu họp báo quốc tế sau khi vừa được bầu làm Tổng Bí thư, đại tướng Tô Lâm cũng nói: "bảo đảm sự ổn định, kế thừa, phát triển những kinh nghiệm, những thành tựu mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm và Ban Chấp hành Trung ương các khóa trước đã đạt được, với trách nhiệm cao nhất vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, xem xét nhiều mặt và thể hiện sự thống nhất rất cao trong việc giới thiệu và bầu chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII".
Và chúng ta tin tưởng là, sự nghiệp "đốt lò" của cụ Tổng vẫn sẽ được TBT Tô Lâm và BCHTW Đảng tiếp tục một cách kiên trì và mãnh liệt.
Làm gì thì làm, để đất nước phát triển, nhân dân yên tâm làm ăn, xã hội ổn định... thì bộ máy cần phải hết sức trong sạch, cán bộ phải toàn tâm toàn ý vì dân vì nước, đúng nghĩa là "công bộc của dân" như chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Việc "cho thôi chức" 4 vị ngay trong phiên họp đầu tiên với cương vị Tổng bí thư chứng tỏ một quyết tâm rất cao của tân Tổng bí thư Tô Lâm.
Và chúng ta có quyền hy vọng.