Luật Thủ đô (sửa đổi) giải quyết loạt vấn đề “bức thiết” của Hà Nội

Admin

Tháo gỡ khỏi sự chồng chéo

Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những quy chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Tp.Hà Nội, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi cho phù hợp. Trong đó đặt ra việc giải quyết những điều khoản chồng chéo với quy định của các luật, thông tư, nghị định khác.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật Dragon (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã khắc phục việc chồng chéo các quy định của các luật, thông tư, nghị định, tạo sự nhất quán.

Đồng thời, tạo nên cơ chế đặc thù đúng nghĩa giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Luật Thủ đô (sửa đổi) giải quyết loạt vấn đề “bức thiết” của Hà Nội- Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Minh Long.

Ông Long đánh giá, quy định về áp dụng Luật Thủ đô rất quan trọng vì liên quan đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật trong thực tiễn.

Với nhiều quy định mang tính đặc thù, tạo cơ chế riêng cho Hà Nội thì việc xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, việc áp dụng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bộ, ngành là hết sức cần thiết.

"Tôi rất tâm đắc với Điều 4 quy định áp dụng Luật Thủ đô, đây là điều mà Luật Thủ đô 2012 không có", Luật sư Long nói.

Cụ thể, khoản 1 Điều 4 quy định: "Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này".

Ông Long phân tích, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó.

Trong trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ông Long cho biết thêm, Luật Thủ đô là luật chuyên ngành nên việc ưu tiên áp dụng luật này đối với những vấn đề cụ thể liên quan đến các mối quan hệ pháp luật tại Thủ đô là hoàn toàn phù hợp và dễ dàng thực hiện.

Luật đã cụ thể hóa được thứ tự ưu tiên áp dụng quy định pháp luật đối với cùng một vấn đề. Điều này, giúp các đơn vị chức năng dễ dàng hơn đối với việc chọn luật áp dụng trong bối cảnh các quy định pháp luật còn chồng chéo.

Đối với những vấn đề cụ thể, nằm trong phạm vi quy định của Luật Thủ đô thì đã được ưu tiên áp dụng Luật. Điều này cho thấy tính cụ thể sâu sát của luật khi áp dụng vào đời sống.

Mức độ ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô đối với những mối quan hệ pháp luật tại Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nâng tầm giá trị, mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị tại Thủ đô.

"Đây là điểm đổi mới đáng quan tâm và phù hợp với thể chế lập pháp của nước ta", vị luật sư nhận định.

Luật Thủ đô bắt kịp sự phát triển của xã hội

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, sự phát triển về kinh tế của Thủ đô những năm qua là rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Do đó, việc thay đổi các quy định pháp luật cụ thể là điều cần thiết để bắt kịp sự phát triển của xã hội.

Ông dẫn ví dụ dân số Thủ đô ngày càng gia tăng đột biến nên việc giải quyết về cơ sở hạ tầng, quy hoạch để bố trí nơi ở có người dân là những nhu cầu thiết yếu. Và Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đáp ứng được phần nào những yêu cầu này.

Như vậy, Luật Thủ đô mới cũng đã đáp ứng được phần nào những yêu cầu cấp bách đối với sự phát triển của Thủ đô trong việc quy định cụ thể về thực hiện những quy hoạch phù hợp, quản lý kiến trúc…Điều này đã đảm bảo sự phát triển và giữ được đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Luật Thủ đô (sửa đổi) giải quyết loạt vấn đề “bức thiết” của Hà Nội- Ảnh 2.

Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, Luật Thủ đô năm 2012 chủ yếu mang tính chất "khung", trong thực tiễn triển khai, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách có nhiều nội dung vướng phải các quy định pháp luật, luật chuyên ngành khác có liên quan dẫn đến không khả thi, mất tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai.

Đơn cử, Luật Cư trú năm 2020 "đã xóa bỏ" Khoản 3 và 4, Điều 19 Luật Thủ đô năm 2012. Chính việc bị "vô hiệu hoá" này khiến Thủ đô tăng thêm dân số cơ học khoảng 200.000 người mỗi năm. Tạo nên sức ép vô cùng to lớn cho hạ tầng Hà Nội.

Luật sư Kiên cho rằng, một trong những "giá trị cốt lõi chính" của Luật Thủ đô năm 2024 là đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội và chính sách thu hút nhân tài.

Theo Điều 16 của Luật cho thấy, việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây.

Điều này sẽ tạo điều kiện để Hà Nội chủ động, sáng tạo, tự quản thực hiện nhóm chính sách đột phá, vượt trội để phát triển. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" và những chính sách thu hút người tài là cần thiết để Hà Nội vươn mình mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc HĐND Thành phố được giao một số thẩm quyền như: quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố.

"Đây sẽ là tiền đề giúp Hà Nội chủ động và quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao", Luật sư Kiên nhận định.