Thực tế, nhiều đứa trẻ dường như bị bỏ rơi trong suốt giai đoạn cha mẹ lục đục, cho đến khi đi đến quyết định ly hôn, thậm chí kéo dài suốt thời thơ ấu bởi những phân định, chia chác tài sản, quyền và nghĩa vụ nuôi con. Khi người lớn rơi vào vòng xoáy cãi vã, chỉ trích, chì chiết hay chiến tranh lạnh, đấu tranh tâm lý thì bản thân không đủ tỉnh táo, tâm hồn không còn nhiều chỗ trống để quan tâm, chăm sóc, an ủi tinh thần các con. Đứa trẻ tự bơi trong những hỗn độn tinh thần, lạc lõng, cô đơn và sợ hãi đến mức có thể ám ảnh suốt cuộc đời, thậm chí có một số rơi vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp...
Dù đã là người trưởng thành, suy nghĩ thấu đáo, nhưng chị H.N vẫn còn đau đớn, ám ảnh khi chia sẻ câu chuyện đời mình: “Bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn nhỏ. Tôi đã từng tự tử và nếu được chọn tôi sẽ chọn mình không bao giờ được sinh ra. Bố mẹ luôn nghĩ rằng họ chẳng làm gì sai và coi thường suy nghĩ của trẻ nhỏ”.
Diễn tiến tâm lý phức tạp theo hướng tiêu cực của những đứa trẻ dễ khiến người ta giật mình về hậu quả mang lại trong tiến trình chuẩn bị, đấu tranh và quyết định ly hôn của các cặp vợ chồng. Suốt nhiều năm qua làm việc tư vấn/tham vấn tâm lý, nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ như xoáy vào tim của những người làm công tác nâng đỡ tinh thần, tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình như chúng tôi, đôi khi thoát vai nhà chuyên môn nhưng dư âm còn đọng lại - thương tâm, chua xót...
Bao nhiêu ông bố, bà mẹ chịu hiểu rằng những sang chấn trước và sau ly hôn có thể là chiếc mắc cài trong tâm lý trẻ suốt đời khó có thể cởi bỏ?
Những góc tối trong lòng đứa trẻ ở những gia đình tan vỡ có mấy người làm cha làm mẹ hiểu và thấu cảm, sẻ chia với các con?
Một lần hiếm hoi, tôi tiếp nhận thân chủ là bà mẹ trẻ vừa ly hôn, trăn trở về những tổn thương tâm lý của con trai mình, chị T.C tâm sự: “Em hiểu con em đã chịu đựng những lần vợ chồng em cãi vã, thậm chí đánh nhau trước mặt con, làm con sợ hãi... và từ đó con ít nói hơn, con chuyển từ gần gũi, đeo mẹ “như sam” sang ghét em và thân thiết với ba vì ba chiều chuộng. Đồng thời, ba cũng tìm nhiều cách chia rẽ, nói xấu về em với các con. Em rất buồn vì đã làm con tổn thương khi hay bất đồng với chồng, cũng như không chuẩn bị tâm lý cho con trước khi ly hôn và lo lắng cho tương lai của bé khi ở với ba - một người hay say xỉn, không biết cách giáo dục con, chiều chuộng, làm hư con”.
Tôi dành nhiều thời gian để gặp chị T.C trong nhiều phiên tư vấn tâm lý để cải thiện tâm trạng của thân chủ, hỗ trợ chị tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
Có thể nhận định rằng, khá ít trường hợp phụ huynh tìm cách đối diện và giải quyết “hậu quả” hậu ly hôn liên quan đến con cái. Hoặc vì họ không nhận thấy hậu quả hoặc vì ngại, không muốn mang câu chuyện mình ra cho người khác biết...
Hậu quả do ly hôn mang lại có thể tấn công/ảnh hưởng đến đứa trẻ ở nhiều khía cạnh. Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng, trẻ em trong các gia đình ly hôn dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình, bởi điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái, là chúng mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển - đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ. Đơn cử như trẻ có thể hạn chế giao tiếp trong gia đình, trẻ tổn thương cảm xúc, cảm giác mất mát và cô đơn ngay trong ngôi nhà mình, giữa vòng tay yêu thương của cha, mẹ. Những lần cãi vã, đánh nhau, xung đột sẽ in sâu trong tâm trí trẻ và sẽ tái hiện lại ở thời điểm nhất định trong một thời gian dài khiến trẻ hoặc cảm thấy bất an sợ hãi, hoặc sẽ phản ứng gay gắt nếu thấy những trường hợp tương tự, hoặc sẽ dần dần ngấm vào hành vi, nhận thức của trẻ, ít nhiều có thể dẫn đến nguy cơ trở thành người bốc đồng, bạo lực tương tự với những gì đã từng chứng kiến trong quá khứ. Một số trẻ vì cảm thấy thiếu an toàn, bất lực, chán nản và bùng nổ nên có ý định hoặc lên kế hoạch tự tử để khỏi phải nặng lòng, đau đớn vì những đổ vỡ của gia đình.
Dù ly hôn, là chuyện không ai mong muốn hay cổ súy nhưng có những cuộc hôn nhân rối rắm, đi vào ngõ cụt thì việc đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ lại là cứu cánh cho các bên, kể cả với con cái. Tuy nhiên, việc ly hôn sao cho văn minh, nhẹ nhàng không gây ra nhiều hệ quả về tinh thần cho các thành viên là việc mà ít cặp vợ chồng quan tâm tìm hiểu.
Ly hôn văn minh có thể giúp giảm thiểu những tác động xấu đến đôi bên và giảm tổn thương cho con cái, những người có liên quan, tiến tới sự lành mạnh hóa trở lại mối quan hệ gia đình một cách dễ dàng hậu ly hôn.
THẠC SĨ TÂM LÝ LÊ MINH HUÂN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH