“Ma quỷ dân gian ký: Tinh linh đất Việt” - một nghiên cứu đương đại về ma quỷ

Add
"Ma quỷ dân gian ký 2: Tinh linh đất Việt" xuất hiện với diện mạo có phần “tân kỳ”, tập trung vào những hiện tượng tâm linh mà đến nay vẫn còn phổ biến với tâm thức đương đại.

“Ma quỷ dân gian ký: Tinh linh đất Việt”

ma-quy-dan-gian-ky-tinh-linh-dat-viet-mot-nghien-cuu-duong-dai-ve-ma-quy-viet-nam-dulichgiaitri-1702844358.jpg
"Ma quỷ dân gian ký 2: Tinh linh đất Việt" của tác giả - hoạ sĩ Duy Văn được xuất bản bởi NXB Hội Nhà Văn

Ma quỷ dân gian ký là một công trình sưu tầm, biên soạn của tác giả - hoạ sĩ Duy Văn về các loài ma quỷ và niềm tin vào các hiện tượng tâm linh siêu nhiên trong truyền thuyết dân gian ở Việt Nam.

Sau thành công của tập sách thứ nhất, tập sách thứ 2 "Ma quỷ dân gian ký 2: Tinh linh đất Việt" tiếp tục giới thiệu các chương mới như Ma sàn, Thiên Linh Cái, Ma cây, Âm binh… các tục thờ Chó Đá, Thần Hổ, những niềm tin dân gian về Duyên Âm, Bùa Yêu, Truyền Thuyết Đô Thị Việt Nam cùng một số các loài “yêu quái” nổi tiếng trong sự đồn đại của dân gian như Chuột tinh ngũ sắc, Ông Sấu Năm Chèo… Tất cả hiện lên thông qua lời kể rành mạch, tường minh cùng tranh vẽ độc đáo, đậm nét dân gian đương đại, hứa hẹn sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo tốt cho những độc giả yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.

Nếu như ở phần một của Ma Quỷ Dân Gian Ký khai thác những câu chuyện “ma mãnh” lưu truyền ở các làng quê, gần gũi với ký ức tập thể của cộng đồng người Việt, thì phần 2 xuất hiện với diện mạo có phần “tân kỳ”, tập trung vào những hiện tượng tâm linh mà đến nay vẫn còn phổ biến với tâm thức đương đại. Với áp lực cuộc sống, nhiều bạn trẻ vẫn tìm đến bói toán, tin vào những điềm xấu, “cái dớp”, “cắt duyên âm” như một phương cách để thoát khỏi những nỗi niềm đời thường… Tuy nhiên, hầu như tất cả đều có nét mê tín dị đoan. Ma Quỷ Dân Gian Ký cố gắng mô tả kỹ lương để phân biệt đâu là cốt lõi tín ngưỡng, đâu là những niềm tin không có cơ sở. Điều này nhằm tách bạch vẻ đẹp của văn hoá tâm linh với mặt trái của nó. Vì thế cả hai tập của Ma Quỷ Dân Gian Ký đều là những đóng góp vô cùng quan trọng về mặt khảo cứu, là tư liệu văn hoá phong phú, đôi khi táo bạo về nội hàm niềm tin của chúng ta.

Mỗi chương trong sách đều chia làm các phần: dẫn truyện, khái niệm, các câu chuyện lưu truyền và cách phòng chống (nếu là những hiện tượng tâm linh hay các giống ma quỷ xấu). Theo nhiều độc giả, nét vẽ của Ma Quỷ Dân Gian Ký 2: Tinh Linh Đất Việt ngoài việc mô tả các loài ma theo phong cách dân gian đương đại, còn hướng tới không gian cảm xúc gần gũi với người Việt đương đại nhiều hơn.

Th.S, Phạm Minh Quân - Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa nhận xét “Ma quỷ, thực chất, là nỗi sợ cái chưa biết, một trong những nỗi sợ nguyên thủy của loài người tự thuở hồng hoang. Điều này đã được tác giả Duy Văn khảo tả một cách sinh động, hàm súc và dễ hiểu, thông qua cả tranh lẫn lời. Việc nắm bắt và định danh nỗi sợ này, tức biến nó thuộc về địa hạt thức nhận người, đồng thời cho thấy một lịch sử “khác”, thứ huyền sử vẫn hằng tồn tại trong tâm thức người Việt”.

“Ma quỷ dân gian ký: Tinh linh đất Việt” - một nghiên cứu đương đại về ma quỷ