“Ma trận” xét tuyển đại học

Hoàng Huyền
Theo quy định, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh. Cũng vì vậy, đã xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” các phương thức, quy định… khiến thí sinh như rơi vào “ma trận”.

ma-tran-xet-tuyen-dai-hoc-dulichgiaitri-giao-duc-1658467118.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào các trường đại học Ảnh: H.L

Cùng với việc ôn thi tốt nghiệp THPT, em H.T.T, học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội cũng tìm hiểu các phương thức xét tuyển đại học sớm, xét tuyển đại học có điều kiện vào các trường đại học. Chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô, T cho biết: “Khi bắt tay vào tìm hiểu mới thấy mỗi trường quy định một cách khác nhau, từ thời gian nộp hồ sơ, cách thức nộp hồ sơ, các giấy tờ đi kèm… Do trăm hoa đua nở nên thí sinh như rơi vào ma trận”.

Đơn cử trường đại học Thủ đô bên cạnh xét tuyển thẳng và ưu tiên, năm 2022 còn xét tuyển sớm dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển dựa vào điểm thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, xét tuyển dựa vào kết quả học tập kì 1 lớp 12… Ngay từ cuối tháng 4, trường đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm. Ngày 8/7, trường đã thông báo kết quả thí sinh trúng tuyển theo phương thức này.

Trong khi đó, cũng với phương thức xét tuyển khác ngoài xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội lại nhận hồ sơ tới trước ngày 15/7; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho phép thí sinh nộp hồ sơ tới trước ngày 10/7. Trong khi đó, Trường Đại học Hà Nội, đến đầu tháng 7 mới chính thức công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2022 và đưa ra mốc nhận hồ sơ xét tuyển sớm tới ngày 17/7.

Về hồ sơ xét tuyển, mỗi trường cũng quy định một cách khác nhau. Đối với phương thức xét tuyển theo chứng chỉ ngoại ngữ, Trường Đại học Giáo dục yêu cầu thí sinh nộp bản cứng gồm: 1 phiếu đăng ký xét tuyển; 1 bản sao hợp lệ chứng nhận kết quả thi IELTS đạt yêu cầu; 1 bản sao hợp lệ học bạ THPT; 2 ảnh 4x6 chụp trong 6 tháng gần nhất và 2 phong bì thư có dán tem, ghi rõ địa chỉ người nhận.

Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội lại yêu cầu thí sinh nộp ảnh cỡ to 6x9cm và nộp photo chứng minh nhân dân có cả công chứng. Học viện Ngân hàng thì lại yêu cầu thí sinh in bản cứng phiếu đăng ký xét tuyển, học bạ THPT, chứng chỉ ngoại ngữ (không yêu cầu nộp kèm ảnh). Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Đại học Hà Nội lại cho phép thí sinh nộp trực tuyến, scan các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên gửi kèm, không cần đến trường nộp hồ sơ trực tiếp.

Phiếu đăng ký xét tuyển đại học của Đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia yêu cầu thí sinh dán ảnh, nhưng phiếu đăng ký xét tuyển đại học của Học viện Báo chí Tuyên truyền lại không cần ảnh.

Giữa “ma trận” các quy định, thí sinh phải tỉnh táo nếu không sẽ có nguy cơ bỏ lỡ thời gian nộp hay là nộp hồ sơ không đúng quy định của mỗi trường.

T.A