Mạng xã hội gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai
Những “hy vọng không có thật”
Gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều video chia sẻ các phương pháp sử dụng sản phẩm từ những loại trà thảo mộc không rõ nguồn gốc, ăn quả dứa, sử dụng tinh dầu, hay thậm chí là đọc và làm theo các phương pháp tâm linh để giúp phụ nữ dễ dàng thụ thai. Các video này được lan truyền nhanh chóng, nhận được hàng tỷ lượt xem. Lấy ví dụ, các bài đăng với hashtag #ttccommunity, viết tắt của việc cố gắng thụ thai, đã nhận được hơn 1,3 tỷ lượt xem và hashtag #eggretrieval có tới hơn 50 triệu lượt xem.
Ngày 10/11, nhiều chuyên gia về sản phụ khoa ở Anh đã lên tiếng phản đối những thông tin mà các "TikToker" (người sử dụng mạng xã hội TikTok) này chia sẻ. Giáo sư Joyce Harper đến từ trường Đại học College London cảnh báo, những thông tin đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội đã tạo ra hiệu ứng "niềm tin không có thật". Theo vị giáo sư này, mục đích của các tin tức đó nhằm đánh vào tâm lý của những người đang gặp khó khăn trong việc thụ thai, khiến họ sẵn sàng thử bất cứ điều gì để có con.
Nữ Giáo sư Joyce Harper cho rằng, một lượng lớn thông tin sai lệch và mâu thuẫn trên mạng xã hội khiến những phụ nữ gặp khó khăn trong việc sinh sản bị "lạc" giữa ma trận thông tin thật, giả. Một cuộc khảo sát của Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) đã chỉ ra rằng, có tới 76% trong số 1.000 phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ không thể đánh giá các thông tin nhận được là đúng hay giả mạo. Đặc biệt, có đến gần 2/3 phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ đã bị cuốn theo dòng thông tin khổng lồ trên các nền tảng mạng xã hội và hoàn toàn tin theo những thông tin này.
Kate Brian, Giám đốc điều hành Mạng lưới Sinh sản ở Vương quốc Anh (dịch vụ cung cấp sự hỗ trợ, tư vấn, thông tin cho phụ nữ gặp vấn đề sinh sản) lo ngại, phụ nữ mang thai đang bị lôi kéo sử dụng các sản phẩm và dịch vụ giả mạo.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng đưa ra cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm giúp tăng cường khả năng thụ thai. Theo trang web của NHS: "Những sản phẩm này thường được tiếp thị là có nguồn gốc tự nhiên, nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng an toàn. Chất lượng, độ tinh khiết và các thành phần không phải lúc nào cũng được đảm bảo, và chúng có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm".
Tràn ngập thông tin tiêu cực về dị tật thai nhi
Mạng xã hội thường là kênh thông tin đầu tiên mà phụ nữ tìm đến khi gặp các vấn đề về sức khoẻ nói chung và mang thai nói riêng. Tuy nhiên, các nguồn thông tin này nhanh chóng trở thành "ác mộng" đối với phụ nữ mang thai.
Tờ The Times của Anh cho biết, đa số phụ nữ khi tìm kiếm thông tin về mang thai trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Youtube đều được thuật toán của các trang này dẫn đến những video bắt đầu bằng hình ảnh em bé với nội dung cuốn hút, tuy nhiên đến cuối video lại là các hình ảnh về dị tật thai nhi hoặc thai nhi chết lưu. Adriana Lopez, 31 tuổi, một "nạn nhân" của các video này cho biết cô bắt đầu cảm thấy lo lắng rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra với chính em bé của mình. Adriana đã thực hiện báo cáo những video này trên nền tảng TikTok, nhưng chúng vẫn liên tiếp xuất hiện và chiếm tới hơn một nửa tổng số video mà cô xem. Ba người bạn của cô, tất cả đều mang thai lần đầu cho biết, họ cũng đang phải vật lộn với điều tương tự.
Theo The Times, câu chuyện của Adriana không phải là trường hợp cá biệt. Trên khắp nước Anh và trên toàn thế giới, phụ nữ mang thai đang phải vật lộn với những thông tin tiêu cực trong quá trình mang thai trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo WHO, phụ nữ mang thai nên chủ động tới các phòng khám uy tín, hoặc sử dụng những dịch vụ y tế đã được cấp phép để bảo đảm chăm sóc thai nhi tốt nhất và tránh tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, cũng như những sản phẩm thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội.
THANH HẰNG