["Rác" trên mạng xã hội] Bài 3: "Thả nổi" trẻ em trên không gian mạng

Admin
Việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em hiện nay chưa được định hướng nghiêm túc, khi có vấn đề thì cha mẹ, thầy cô lại phản ứng căng thẳng, cấm đoán, gây áp lực tâm lý.
rac-tren-mang-xa-hoi-tha-noi-tre-em-tren-khong-gian-mang-dulichgiaitri-1649615739.jpeg

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi

Có thể thấy, Internet và các trang mạng xã hội (MXH) ngày nay đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin chỉ tính bằng giây, nội dung phong phú, đa dạng… nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho tất cả, đặc biệt là bạn trẻ.

Trao đổi về chủ đề này với Người Đưa Tin, Cao Thanh Huyền (25 tuổi, Hà Nội), hiện đang theo học Thạc sĩ ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Mạng xã hội ở thời điểm hiện tại, không chỉ còn là món ăn tinh thần nữa, mà còn là công cụ để giao tiếp và tạo ra thu nhập cho một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là các bạn trẻ".

Như bản thân Huyền, cũng có một shop kinh doanh thời trang online như một nghề tay trái để tạo thêm thu nhập, nên mạng xã hội là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Mỗi ngày, bạn đều dành ra 4-6 tiếng để sử dụng MXH cho mọi mục đích như kinh doanh, giao tiếp, giải trí, đọc tin tức…

rac-tren-mang-xa-hoi-tha-noi-tre-em-tren-khong-gian-mang-1-dulichgiaitri-1649615739.jpeg
Cao Thanh Huyền (25 tuổi, Hà Nội)

Ấy vậy mà, cũng đã có lúc Huyền nghĩ đến việc khóa các tài khoản cá nhân và tránh ra môi trường “ảo" một thời gian, bởi quá độc hại.

Giải thích về điều này, Huyền cho rằng, các trang mạng xã hội luôn tràn ngập những tin tức tiêu cực. “Cứ tin gì tiêu cực như tố nhau, cãi nhau, đánh nhau của người thường đến người nổi tiếng, là được các page (trang) và các cư dân mạng thay nhau chia sẻ", bạn nói thêm.

Với những người không có mối quan tâm với những thông tin kiểu vậy, Huyền có cảm giác mình đang bị “ngộ độc" bởi thụ động hấp thụ những luồng thông tin dày đặc đó.

Mặt khác, là một người được đào tạo bài bản về nhận thức chính trị - xã hội, bạn thực sự bức xúc khi đọc được những tin xuyên tạc, lệch chuẩn từ mạng xã hội, thậm chí được phát ngôn từ chính những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng.

Bởi Huyền hiểu, một khi những thông tin này một được chia sẻ, chúng sẽ rất dễ ghim vào trí óc người xem. Và dẫn đến những thực trạng tiêu cực và đáng tiếc.

Do đó, Huyền bày tỏ sự lo lắng cho thế hệ những bạn có tầm tuổi như em trai của mình (17tuổi) - trẻ vị thành niên, khi các em chưa có đủ nhận thức để sàng lọc trước “cánh cửa" của hàng triệu thông tin mỗi ngày.

Trẻ em và MXH - thực tế đáng suy ngẫm

Theo TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia tâm lý, ĐH Quốc gia Hà Nội, sở dĩ MXH có thể trở thành một mối nguy hại khôn lường cho các bạn trẻ, bởi trẻ em Việt Nam có một đời sống tinh thần còn khá nghèo nàn.

Bà cho rằng, trẻ em Việt Nam so với trẻ em trên thế giới, có quá ít hoạt động nhưng lại có quá nhiều thời gian rảnh. Nếu ở các nước trên thế giới, trẻ em có nhiều hoạt động ngoại khóa như nhóm nhảy, thể thao, khám phá thiên nhiên, thậm chí nhảy dù… và được phụ huynh rất tôn trọng, thì trẻ em Việt Nam ngoài thời gian đi học, học chính, học thêm, thì các em có rất ít hoạt động và niềm vui khác.

rac-tren-mang-xa-hoi-tha-noi-tre-em-tren-khong-gian-mang-2-dulichgiaitri-1649615739.jpeg
TS. Vũ Thu Hương

Từ đó, MXH và internet là nơi duy nhất để các em có thể giải trí cho quỹ thời gian quá dư thừa của mình. Do vậy, các hoạt động của các bạn trẻ cũng theo một chiều, ngưỡng vọng nhìn ra thế giới.

Đó cũng là lí do các bạn ở độ tuổi này thường bị thu hút bởi những hoạt động không lành mạnh trên mạng xã hội, rất ít bạn tìm được thông tin cũng như hướng đi phù hợp cho lứa tuổi của mình trên MXH.

Song, ở góc nhìn rộng hơn, MXH là một phần của thế giới “ảo", thế giới này hoàn toàn là thế giới nhân tạo, không có trong tự nhiên, chúng ta lại là những động vật tồn tại trong tự nhiên.

Nên, khi chúng ta bị tách rời quá nhiều khỏi tự nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều những hệ luỵ. Trong đó, quan trọng nhất sẽ đến từ việc cuộc sống tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, TS. Thu Hương cho biết thêm.

Do vậy, tỉ lệ các bạn trẻ sử dụng MXH quá nhiều, dẫn tới trầm cảm trên thế giới là rất cao. Chưa kể đến, các bạn còn có thể bị lôi kéo vào những mối nguy hiểm từ nền tảng này, từ đó gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Ví dụ như, lộ lọt thông tin cá nhân, hành động theo trào lưu “Thử thách Momo" (tự làm hại bản thân) hay nuôi búp bê Kumanthong…

Mặt khác, “Hoạt động sử dụng internet và MXH của trẻ em hiện tại cũng chưa được định hướng một cách nghiêm túc, gần như được “thả nổi" thoải mái", bà Hương nhấn mạnh.

Khi các bạn có hành động chưa ổn, thì cha mẹ, thầy cô lại có những phản ứng căng thẳng, dẫn đến tâm lý gò bó, bị ngăn cản, cấm đoán từ các bạn trẻ. Vậy nên, các em cũng không thể đủ sức để nhận ra những vấn đề thực sự nghiêm trọng mình đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết.

Nên giải quyết ra sao?

Chia sẻ quan điểm ở mức độ chuyên gia, TS. Thu Hương nhận định, để giảm tác động tiêu cực của MXH đến đối tượng người dùng trẻ em, trẻ vị thành niên, thì cần làm cho các bạn trở nên bận rộn hơn bằng nhiều hoạt động khác nhau.

rac-tren-mang-xa-hoi-tha-noi-tre-em-tren-khong-gian-mang-3-dulichgiaitri-1649615739.jpeg
TS. Vũ Thu Hương: "Trẻ em Việt Nam có một đời sống tinh thần còn khá nghèo nàn"

Trước hết, các bạn hoàn toàn có quyền quyết định công việc của chính mình, có quyền tham gia và xử lý từ những việc cơ bản chăm lo cho bản thân, học tập, thì các bạn cần được tham gia các hoạt động thuộc xã hội và có tiếng nói trong gia đình.

Bà đưa ra ví dụ, khi gia đình có công việc chung như sửa nhà, bố mẹ luôn luôn là người giải quyết, các bạn không được tham gia cũng như đóng góp ý kiến dù rất nhỏ. Trong khi, thực tế các bạn hoàn toàn có thể đóng góp cả sức lực về tay chân lẫn trí óc cho công việc lớn của gia đình.

Ngoài ra, những hoạt động khác của các bạn trẻ cũng cần được sự giúp sức để tiến hành, bằng cách tham gia hội nhóm, câu lạc bộ và tham gia khám phá đam mê của bản thân. Khi có sự giao tiếp và trải nghiệm thực, thời gian các bạn trẻ dành cho thế giới ảo cũng sẽ giảm đi.

Nhờ đó, đời sống tinh thần cũng như thể chất của các em cũng sẽ phát triển theo hướng tự nhiên và tích cực vốn có.

Vậy những hành vi sai phạm trên MXH, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thực của chúng ta, đã và đang được pháp luật xử lý như thế nào? Đón đọc trên Người Đưa Tin.

Nguyễn Minh Uyên