Masan tăng trưởng lợi nhuận nhờ nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ

Admin
(Chinhphu.vn) - Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, gần gấp đôi so với cùng kỳ, bất chấp bối cảnh thị trường tiêu dùng còn nhiều thách thức. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chiến lược dài hạn, kiên định xây dựng nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ tích hợp, với những trụ cột tăng trưởng vững chắc từ WinCommerce (WCM) và Masan MEATLife (MML).

Trong nửa đầu năm 2025, Tập đoàn Masan đã ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực, khẳng định vị thế là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. 

Masan tăng trưởng lợi nhuận nhờ nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ- Ảnh 1.

Sự tăng trưởng của Masan đến từ hiệu quả hoạt động vượt trội của các công ty thành viên, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng thiết yếu

Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đạt 2.602 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 và đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Sự tăng trưởng này đến từ hiệu quả hoạt động vượt trội của các công ty thành viên, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Chia sẻ về định hướng chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: "Sự gián đoạn trong các kênh bán lẻ truyền thống là minh chứng rõ ràng rằng chiến lược tích hợp toàn diện nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ của chúng tôi đang đi đúng hướng. Khi WinCommerce tiếp tục mở rộng nhanh chóng, hiệu quả cộng hưởng trong hệ sinh thái Masan ngày càng thể hiện rõ, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận".

Ông cũng nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn của Tập đoàn: "Chúng tôi hướng đến việc hiện đại hóa hạ tầng tiêu dùng tại Việt Nam, thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ truyền thống, nhằm phục vụ tốt hơn cho 100 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng vận hành và công nghệ chính là động lực cốt lõi để kết nối chặt chẽ giữa thương hiệu, nhà bán lẻ và người tiêu dùng".

Báo cáo của Masan chỉ ra rằng, dù kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 8,0% trong quý II/2025, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự phục hồi của thị trường yếu hơn kỳ vọng, cùng với tác động từ các quy định thuế mới đối với hộ kinh doanh cá thể đã gây ra những tác động đến kênh bán lẻ truyền thống (General Trade - GT). Điều này dẫn đến tình trạng giảm hàng tồn kho trên diện rộng, khiến sản lượng FMCG tiêu thụ qua kênh GT trong 5 tháng đầu năm giảm gần 3%.

Trong bối cảnh đó, quá trình tái định hình ngành bán lẻ đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch nhanh hơn sang kênh bán lẻ hiện đại (Modern Trade - MT), nơi có sản lượng tiêu thụ FMCG tăng 4,2%. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có nền tảng bán lẻ hiện đại vững chắc như Masan bứt phá.

WinCommerce: Trụ cột tăng trưởng và lợi nhuận

WinCommerce tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu quý II đạt 9.130 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ tư liên tiếp có lãi. Trong 6 tháng, WCM đạt doanh thu 17.915 tỷ đồng, tăng 13,4%, và lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng, tăng 292 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Sự thành công của WCM đến từ chiến lược mở rộng mạng lưới hiệu quả và tối ưu hóa vận hành. Tính đến cuối quý II, WCM đã mở mới 318 cửa hàng, hoàn thành 80% kế hoạch cả năm và củng cố vững chắc vị thế nhà bán lẻ hiện đại số một Việt Nam về quy mô với 4.146 điểm bán trên toàn quốc.

Đáng chú ý, chiến lược "hướng về nông thôn" đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Khu vực nông thôn, nơi sinh sống của hơn 60% dân số, đang trở thành động lực tăng trưởng chiến lược. Doanh thu trung bình mỗi ngày của một siêu thị mini tại nông thôn đã đạt gần 90% so với siêu thị mini tại khu vực thành thị. Gần 75% số cửa hàng mở mới trong nửa đầu năm là mô hình WinMart+ tại nông thôn, cho thấy sự đón nhận mạnh mẽ của người tiêu dùng tại đây.

Nhờ tăng trưởng doanh thu trên các cửa hàng hiện hữu (LFL) và hiệu quả vận hành, biên lợi nhuận EBIT của WCM trong quý II đã đạt 0,9%, một bước tiến lớn cho thấy WCM đang đi đúng lộ trình hướng tới mục tiêu có lợi nhuận dương bền vững cả năm.

Masan Consumer: Vượt qua thách thức ngắn hạn, củng cố nền tảng

Đối mặt với sự gián đoạn của kênh phân phối truyền thống, Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu quý II/2025 đạt 6.276 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do các nhà bán lẻ truyền thống đồng loạt giảm mạnh lượng hàng tồn kho để thích ứng với các quy định mới, dẫn đến doanh thu của MCH ước tính giảm khoảng 600-800 tỷ đồng trong quý.

TIN LIÊN QUANMasan Group trong top Fortune 500 doanh nghiệp dẫn đầu Đông Nam ÁMasan Consumer hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầuTập đoàn Masan: Chiến lược ESG là con đường phát triển bền vữngTập đoàn Masan: Chiến lược ESG là con đường phát triển bền vững

Để ứng phó, MCH đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình phân phối linh hoạt và bền vững hơn. Các sáng kiến trọng tâm bao gồm: Chuyển dịch sang mô hình phủ trực tiếp, giảm phụ thuộc vào các nhà bán lẻ truyền thống lớn, và tăng cường năng lực đưa hàng ra thị trường. Trong nửa đầu năm 2025, MCH đã mở rộng độ phủ điểm bán tại các khu vực thí điểm tăng 62% so với cùng kỳ, và số lượng điểm bán trung bình mỗi tháng có ít nhất 1 đơn hàng do mỗi nhân viên bán hàng phục vụ tăng 48% so với cùng kỳ. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng của MCH trong các quý tiếp theo.

Trong khi đó, doanh thu từ kênh bán lẻ hiện đại (MT) và kênh nhà hàng, khách sạn (HORECA) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 5,7% và 34,2% so với cùng kỳ, cho thấy hiệu quả từ việc đa dạng hóa kênh phân phối và sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống WinCommerce. Các ngành hàng như Cà phê, Chăm sóc cá nhân và gia đình và Xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, bù đắp một phần cho sự suy yếu tạm thời của các ngành hàng khác.

Masan MEATLife: Tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận đột phá

Masan MEATLife (MML) là một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm của Masan. Doanh thu quý II đạt 2.340 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 30,7% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả mảng chăn nuôi (tăng 66,4%) và thịt (tăng 20,5%). Lợi nhuận sau thuế đạt 249 tỷ đồng, một sự cải thiện vượt bậc so với cùng kỳ.

Kết quả này đến từ việc MML đã tối ưu hóa chuỗi giá trị "từ trang trại đến bàn ăn". Giá heo hơi tăng, mạng lưới WinCommerce mở rộng, và sự tăng trưởng nhanh của mảng thịt chế biến đã trở thành những động lực chính.

Đặc biệt, đổi mới sản phẩm tiếp tục đóng vai trò chiến lược khi các sản phẩm mới đóng góp tới 29% doanh thu mảng thịt chế biến. Việc tích hợp sâu hơn với WinCommerce cũng mang lại hiệu quả, với doanh số trung bình MML trên mỗi cửa hàng WCM tăng 10,9%.

Triển vọng và định hướng chiến lược đến cuối năm 2025

Dựa trên kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm, Masan tự tin đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 từ 80.000 đến 85.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt từ 4.875 đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ từ 14% đến 52% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào các trọng tâm chiến lược. Cụ thể, tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận với trọng tâm là mảng kinh doanh cốt lõi tiêu dùng - bán lẻ. MCH được kỳ vọng sẽ trở lại mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số, trong khi WCM tập trung vào tăng trưởng có lợi nhuận thông qua việc đẩy nhanh mở mới cửa hàng và duy trì tăng trưởng LFL mạnh mẽ.

Đồng thời, phát triển và ứng dụng công nghệ xuyên suốt để thúc đẩy hiệu quả hoạt động và tăng cường sự kết hợp trong nền tảng tiêu dùng - bán lẻ của MSN. Điều này được thực hiện thông qua chương trình hội viên WiN và sự tăng cường hợp tác giữa các thương hiệu Masan với WinCommerce.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của Masan đã cho thấy sự vững vàng và khả năng thích ứng linh hoạt của một tập đoàn kinh tế hàng đầu. Bằng việc kiên định với chiến lược xây dựng hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ, Masan không chỉ tạo ra giá trị cho cổ đông mà còn đang đóng góp tích cực vào việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại, nâng cao trải nghiệm và phục vụ tốt hơn cho hơn 100 triệu người tiêu dung toàn quốc.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng ngày 28/7, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đang được giao dịch tại 78.100 đồng/cp. Tính trong 3 tháng gần nhất, MSN đã tăng mạnh hơn 25% và là một trong những cổ phiếu được yêu thích của nhà đầu tư nội và ngoại.

Vĩnh Hoàng