Nhà văn Kao Sơn, tên thật là Phạm Cao Sơn, quê ở Ninh Bình, từng là phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình. Vợ ông, nhà văn Hoàng Phương Nhâm là TNXP trong kháng chiến chống Mỹ, cũng có thời gian dài công tác ở Ban tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình. Cả hai vợ chồng đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi về hưu hai vợ chồng ông vào Tp.HCM sống cùng con.
Thân sinh của nhà văn Kao Sơn là cụ Phạm Cao Luận, sinh năm 1924 - liệt sĩ chống Pháp, nguyên huyện đội trưởng huyện đội Yên Mô (1951-1954); Nguyên Đại đội trưởng của D33 (Ninh Bình), hy sinh tháng 2 năm 1954 tại mặt trận huyện đội Yên Mô. Tên tuổi của cụ Phạm Cao Luận, nhân dân khắp hai huyện Yên Mô và Yên Khánh trong thời kỳ chống Pháp và sau này đến tận cuối những năm 70 của thế kỷ trước không ai là không biết.
Sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Phạm Cao Luận được đưa về xã Khánh Thiện nơi ông sinh ra; Có tên trong sổ quản lý các liệt sĩ của xã, của huyện; Được vinh danh trong bảng vàng đặt tại nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Khánh Thiện; Tên tuổi và hình ảnh của cụ còn được trân trọng ghi nhận trong cuốn "lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Yên Mô" với ảnh cụ với chú thích bên dưới: Huyện đội trưởng gia đoạn 1951-1954, cùng một số trang viết có tính tư liệu ghi lại những trận đánh do chính "huyện đội trưởng Phạm Cao Luận" trực tiếp chỉ huy; Có hồ sơ lưu tại ban chỉ huy quân sự tỉnh và được "xác nhận hy sinh" bằng văn bản; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có "Huân chương chiến thắng" truy tặng cho liệt sĩ.
Từ năm 1963 nhà nước đã tặng "bảng Gia đình vẻ vang" cho gia đình; Cụ Bùi thị Nhường, vợ liệt sĩ Phạm Cao Luận cũng được thưởng huy chương Kháng chiến hạng nhì. Sở LĐTBXH tỉnh đã thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp tiền tuất và các trợ cấp hàng tháng, có quyết định về việc trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho gia đình.
Theo nhà văn Kao Sơn, năm 1998 gia đình đã có đơn gửi Sở LĐTBXH tỉnh và từ năm 2018 đến 2023 đã trực tiếp tập hợp các tài liệu, chứng cứ, giấy xác nhận, giấy đề nghị từ xã tới huyện (gồm hơn 20 tài liệu xác minh, chứng minh, kiến nghị của các cấp từ xã, huyện tới tỉnh). Đầu năm 2024 với sự đề nghị của sở, tỉnh đội Ninh Bình đã cấp "Giấy chứng nhận hy sinh cho liệt sĩ Phạm Cao Luận" do đại tá phó chính uỷ Tô Văn Hà ký. Tiếp đó là công văn số 257/UBND- VP6 của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Bộ LĐTBXH về việc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho liệt sĩ Phạm Cao Luận kí ngày 26/3/2024 (Tức là tới nay đã tròn 8 tháng) vân vân...
Tuy nhiên, ngày 21/11/2024 gia đình liệt sĩ Phạm Cao Luận lại nhận được văn bản trả lời của sở LĐTBXH tỉnh trích công văn của bộ do thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ký với nội dung: "Trong hồ sơ chưa có giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết các chế độ ưu đãi theo điểm a khoản 1 điều 21 của nghị định 131/ 2021/NĐ-CP, đồng thời sổ danh sách liệt sĩ và gia đình liệt sĩ tháng 5/1977 của xã Khánh Thiện chưa được chốt số lượng theo điểm B khoản 1 điều 21 của NĐ 131/2021/NĐ-CP. Do đó, chưa đủ cơ sở để cấp bằng TQGC", nên "Sở LĐ- TB-XH chuyển trả đơn đề nghị cấp bằng TQGC đối với ông Phạm Cao Luận cùng các tài liệu gửi kèm và đề nghị ông Phạm Cao Sơn tiếp tục cung cấp tài liệu có giá trị pháp lý theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 21 của nghị định 131/ 2021/NĐ-CP. Sau khi tiếp nhận các tài liệu theo hướng dẫn trên, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị xem xét trình UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị bộ LĐTBXH cấp bằng TQGC cho ông Phạm Cao Luận".
Nhà văn Kao Sơn và gia đình đang rất bức xúc với câu trả lời này.
Đối chiếu với quy định tại nghị định 131 NĐ-CP/20121 của chính phủ về điều kiện cấp bằng TQGC cho liệt sĩ là đã đầy đủ. "Những tài liệu trên không phải chứng cứ thì là gì? Còn thiếu cơ sở nào để "dừng lại. Tôi không thể hiểu nổi", nhà văn nói.
Ông còn cho biết: Sau khi nhận được công văn trả lời của Sở LĐTBXH Ninh Bình ông đã có bức thư ngỏ, đồng thời trực tiếp gửi kiến nghị của mình qua Email riêng tới những lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền. Nhưng tới nay, đã chục ngày qua, tất cả vẫn chỉ là… sự im lặng.
Thiết nghĩ, trường hợp của liệt sĩ Phạm Cao Luận như vậy hoàn toàn đã rõ ràng. Cụ đi bộ đội và hy sinh. Việc cụ hy sinh, hy sinh trong trường hợp nào, ở đâu, gia đình phải được thông báo đầy đủ, nhận giấy chứng nhận hy sinh, nhà nước có chế độ ưu đãi phải được coi là đương nhiên. Còn thủ tục để nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, để sở LĐTBXH cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ; ngoài lá đơn đề nghị gia đình đã làm, việc còn lại phải do các cơ quan ban ngành, các bộ phận của sở, tỉnh, bộ phải phối hợp để giải quyết mới đúng. Bây giờ sở LĐTBXH Ninh Bình yêu cầu gia đình cung cấp thêm thông tin thì là vô lý vì điều đó nằm ngoài khả năng của gia đình liệt sĩ.
Nhà văn Kao Sơn, theo tôi hiểu, ông không chỉ bức xúc cho cá nhân mình, gia đình mình. Ông bức xúc về thái độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác chính sách của sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình và của bộ LĐTBXH. Ông cho rằng bộ đã vô cảm, không nắm tình hình địa phương để chỉ đạo cụ thể. Sở LĐTBXH tỉnh thì không thực hiện trọn vẹn trách nhiệm và đùn đẩy vô lý. Nhà văn cho biết thêm, hiện còn rất nhiều trường hợp như thế.
Ông viện dẫn chính lời của bộ trưởng bộ LĐTBXH thống kê là tới "gần 180 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin", và lo lắng: Với cách giải quyết như hiện nay của ngành LĐTBXH thì đến bao giờ các liệt sĩ mới được giải quyết chế độ?
Và trường hợp "rõ mười mươi" như của gia đình nhà văn Kao Sơn mà vẫn "khó khăn, chưa đủ căn cứ" như thế này thì đúng là "rất khó hiểu".
Tôi cũng từng nhiều lần giúp các gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt liệt sĩ, giúp họ tìm cách giải quyết các chế độ chính sách, chứng kiến những gia đình liệt sĩ bị lừa (mà vụ "cậu Thủy là ví dụ), từng nhiều lần kiến nghị những cách thông tin liệt sĩ nhanh và đơn giản như yêu cầu tất cả các nghĩa trang công khai danh sách liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang ấy lên mạng để thân nhân khỏi vất vả đi tìm khi chứng kiến có những gia đình năm nào cũng tất tả đi tìm khắp nước, cuối cùng lại phát hiện liệt sĩ ở nơi mình đã qua lại tìm rất nhiều lần...
Một năm nữa là tròn nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, chúng ta chuẩn bị long trọng kỷ niệm 50 năm hòa bình, ngày 22/12 sắp tới lại là kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…, nhưng xem ra những vấn đề hậu chiến còn ngổn ngang lắm, mà chuyện gia đình nhà văn Kao Sơn là ví dụ. Và đến bao giờ thì những chuyện như của liệt sĩ và gia đình liệt sĩ Phạm Cao Luận mới không còn diễn ra?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả