Mua bán trẻ sơ sinh, cho nhận con nuôi
Qua điều tra, Công an xác định các đối tượng đã đến nhiều bệnh viện ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề xin nuôi/mua những bé mới sinh, chuẩn bị sinh của những người không muốn nuôi con. Sau đó, nhóm đối tượng này lên các trang mạng xã hội để rao bán các bé với giá từ 35-60 triệu đồng/1 bé để kiếm lời bất chính, Bên cạnh đó, chúng còn bán hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh…) với giá từ 30-40 triệu đồng/ bộ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho những người mua, nếu khách có nhu cầu. 31 trẻ đã bị mua bán với nhiều nghi phạm tham gia, qua nhiều tỉnh thành. Điều đáng nói, có người đã bán cả con ruột của mình.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thiều Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH ASKLAW (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh này vô cùng manh động, táo tợn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhẫn tâm coi trẻ em như những món hàng để thu lợi bất chính.
Theo luật sư, chỉ cần thực hiện hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để được nhận lợi ích vật chất (tiền hoặc tài sản khác) đã được xác định là hành vi cấu thành tội phạm, không phân biệt người thực hiện hành vi đó có phải là cha mẹ, người thân thích của trẻ em hay không. Người thực hiện hành vi có thể phải chịu mức hình phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Trong vụ án nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với nhiều người và tội phạm có tổ chức, đây là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nên hình phạt cao nhất mà các đối tượng có thể đối mặt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 3, Điều 151 Bộ luật Hình sự (Tội Mua bán người dưới 16 tuổi). Hành vi mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bởi các đối tượng đã hủy hoại cuộc sống, tương lai của những đứa trẻ vô tội và có thể trở thành nạn nhân bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, bị bóc lột tình dục... Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi này còn làm gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội và phát sinh nhiều tội phạm khác, kể cả tội phạm xuyên quốc gia...
Theo số liệu do Bộ Công An cung cấp, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, Việt Nam phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.
Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh.
Từ vụ việc trên, Công an tỉnh Bình Dương đã gửi thông điệp tới những gia đình hiếm muộn hãy tìm hiểu rõ pháp luật trước khi muốn tiếp nhận con nuôi nhằm tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện mua bán trẻ em bất hợp pháp và tránh tiếp tay cho hành vi phạm tội. Đối với cả người muốn tặng con và muốn nhận con nuôi hãy tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội có giấy phép hoạt động; đặc biệt, một số phụ nữ trẻ nên tìm hiểu pháp luật để tránh bản thân rơi vào hoặc bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp, cho/bán ngay con ruột của mình.
HÀ LAN