Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, diễn ra ngày 27/12.
Mức sinh dự báo sẽ tiếp tục giảm
Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, trung bình, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,25 con/phụ nữ.
Hơn một nửa số quốc gia và khu vực trên toàn cầu có mức sinh dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ), gần 1/5 số quốc gia và khu vực đang trải qua tình trạng mức sinh "rất thấp" là ít hơn 1,4 con/phụ nữ.
Báo cáo Chính sách Dân số thế giới năm 2021 cũng cho thấy, trên toàn cầu có 55 nước có chính sách tăng mức sinh và 19 nước tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại. Có 54 nước không có chính sách mức sinh chính thức.
Tại Việt Nam, trong hai thập kỷ qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ. Mức sinh tại khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ.
Tuy nhiên, năm 2023, mức sinh tại khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Lãnh đạo Cục Dân số cho biết, chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp nhưng vẫn ở mức 0,37 con/phụ nữ vào năm 2023. Mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.
Tuổi kết hôn trung bình tăng lên 27,2 tuổi
Theo Cục Dân số, khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có mức sinh cao trên mức sinh thay thế.
Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,85 con/phụ nữ.
Cụ thể, số tỉnh, thành có mức sinh dưới 2,0 con/phụ nữ tăng từ 19 tỉnh, thành năm 2021 lên 22 tỉnh, thành năm 2023.
Số tỉnh có mức sinh trên 2,2 con/phụ nữ có xu hướng giảm nhanh hơn từ 34 tỉnh, thành năm 2021 xuống còn 27 tỉnh, thành năm 2023.
Trong đó, phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất có mức sinh cao nhất (2,40 con/phụ nữ); các nhóm còn lại (giàu, trung bình và nghèo) có số con trung bình là 2 con.
Mức sinh cao nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ dưới tiểu học (2,35 con/phụ nữ) và mức sinh thấp nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông (1,98 con/phụ nữ).
Cũng theo Cục Dân số, sau 4 năm (2019-2023), tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đã tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi.
Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam 29,3 tuổi. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ là 25,1 tuổi.
3 giả thiết về mức sinh đến 2069
Cũng tại Hội nghị, Cục Dân số đã đưa ra 3 giả thiết về mức sinh thấp ở nước ta đến năm 2069.
Cụ thể, giả thiết về mức sinh thấp, khi mức sinh chung của cả nước dự báo đến năm 2069 đạt 1,85 con/phụ nữ. Giả thiết về mức sinh trung bình, khi mức sinh chung của cả dự báo đến 2069 sẽ đạt 2,01 con/phụ nữ.
Giả thiết về mức sinh cao, khi mức sinh chung của cả nước sẽ giữ ổn định, các chính sách về dân số và phát triển thực hiện thành công, đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) vào năm 2069.
Theo phương án trung bình, dự báo tỷ lệ tăng dân số ở nước ta sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái "dừng" vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%/năm ,tương đương giảm bình quân 200 nghìn người mỗi năm.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là những vấn đề mới, mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Dân số tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết số 68 NQ/CP ngày 9/5/2024, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí nguồn lực cho công tác dân số, bảo đảm thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Cục Dân số cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh/thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số, nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
Hiền Minh