Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, thảo luận, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác truyền thông chính sách; đưa ra các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách, pháp luật sẽ truyền tải nhanh chóng và sâu rộng mục đích của chính sách, quy định của pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp. Từ đó, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu sâu hơn về các quy định pháp luật và tự giác thực hiện, thực thi pháp luật.
Thứ trưởng cho rằng cần phải ứng dụng AI, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật; triển khai thi hành chính sách, pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; việc thực hiện triển khai Đề án số 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” phải luôn gắn liền với nhau. Theo đó, trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời cần phải “làm giàu” các nguồn tài nguyên, dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên đã trình bày một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”.
Trong thời gian qua, Đề án 279 đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, cụ thể: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Công văn số 2133/HĐPH-PBGDPL ngày 26/4/2024 về việc triển khai thực hiện Đề án 279; Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số985/QĐ-BTP ngày 31/5/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 279 năm 2024 của Bộ Tư pháp; Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên thông về ý nghĩa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án 279 đến các đơn vị địa phương thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp...
Cũng tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa nêu một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Đề án 315 đã đưa ra 10 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có phân công trách nhiệm chủ trì cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Việc triển khai thực hiện Đề án 315 đã được Bộ Tư pháp chú trọng, cụ thể: Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-BTP ngày 31/5/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2024 của Bộ Tư pháp và Công văn số 3321/BTP-PBGDPL ngày 17/6/2024 hướng dẫn thực hiện Đề án gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, facebook, fanpage…), tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức pháp luật qua các nền tảng mạng xã hội như: Nâng cao ý thức pháp luật; bảo vệ quyền lợi công dân; tăng cường pháp trị; tiếp cận rộng rãi và nhanh chóng; khả năng tương tác và phản hồi nhanh chóng; chi phí thấp và hiệu quả cao; tính minh bạch và cập nhật; tạo cộng đồng và khuyến khích tham gia.
Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Vũ Thế Cường cũng chia sẻ cách thức truyền tải nội dung hiệu quả, cụ thể: Chuẩn bị nội dung, nghiện cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật, tóm tắt thông tin một các rõ ràng dễ hiểu và trực quan; Lựa chọn định dạng, sử dụng định dạng như video, infographic, văn bản ngắn gọn để truyền tải nội dung một cách sinh động và hấp dẫn; Tương tác với người xem, người đọc, khuyến khích người đọc, người xem tương tác, đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để tạo sự gắn kết và thu hút sự quan tâm.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc lưu ý, trong công tác truyền thông chính sách, báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương cần xác định các chủ đề mới, nóng, truyền tải thông tin theo nhiều phương thức khác nhau để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tới người dân, doanh nghiệp để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.
LS