Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Admin
(Chinhphu.vn) - Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi hiện vẫn còn nhiều thách thức như: Chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất... Đây cũng là vùng có chất lượng dân số thấp nhất so với các vùng khác trên cả nước.

Bài 1: 'Vùng trũng' về chất lượng dân số

Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi- Ảnh 1.

Việc cải thiện chất lượng dân số có sự tăng giảm không đồng đều giữa các địa phương với nhau, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cùng một tỉnh - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Nhiều chỉ số đáng lo ngại

Tỉ suất chết thô (CDR) là một trong những chỉ số để định lượng chất lượng dân số. Những kết quả thu thập được trong những năm gần đây cho thấy, CDR ở cộng đồng các DTTS còn cao, nhất là những dân tộc rất ít người, các dân tộc còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê, Bộ Tài chính), tại thời điểm điều tra (tháng 4/2024), CDR của cả nước là 5,6‰ (tương ứng 5,6 người chết/1.000 dân), giảm so với mức 6,3‰ năm 2019.

Ở các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống, CDR năm 2024 mặc dù giảm so với năm 2019, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả nước. Trong đó, vùng trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long có cùng CDR là 6,8‰; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 6,4‰...

Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi- Ảnh 2.

Đời sống kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thấp - Ảnh: VGP

Đặc biệt, chất lượng dân số được phản ánh khá rõ nét ở tỉ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR). Kết quả Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 cho thấy, các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống đều có IMR cao hơn so với bình quân cả nước. Cụ thể, năm 2024, IMR cả nước là 11,3‰ thì của khu vực trung du và miền núi phía Bắc là 16,2‰, Tây Nguyên là 17,7‰...

Từ năm 2021, IMR là một trong những "thước đo" để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn. Chiếu theo các tiêu chí tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020, các dân tộc có khăn đặc thù, dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021-2025 là những dân tộc có tỉ lệ hộ nghèo từ 33,45% trở lên; có tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 28,65% trở lên và có IMR từ 33,2‰ trở lên (với dân tộc có khó khăn đặc thù, ngoài các tiêu chí trên còn đáp ứng tiêu chí là những dân tộc có dân số dưới 10.000 người).

Căn cứ vào các tiêu chí này, Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã tham mưu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025. Theo đó, cả nước có 14 dân tộc có khó khăn đặc thù và 32 dân tộc còn nhiều khó khăn.

Trong quá trình rà soát, Ủy ban Dân tộc xác định, có 7/53 dân tộc có IMR từ 33,2‰ trở lên. Đó là các dân tộc: Giáy, Lào, Gia Rai, Mông, Khơ mú, Hà Nhì và Phù Lá.

Việc xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm thực hiện định hướng đầu tư, hỗ trợ tập trung, trọng điểm, ưu tiên địa bàn khó khăn nhất trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025. Cùng với Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thì đây là căn cứ để các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nguồn lực được bố trí kịp thời, Chương trình MTQG 1719 đang góp phần giải quyết căn bản những nhu cầu cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chỉ số IMR cũng đã được cải thiện đáng kể. Số liệu trong hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026-2030" của Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) cho thấy, so với năm 2019, IMR năm 2023 đã có nhiều thay đổi tích cực.

Trong đó, dân tộc Raglay ở Ninh Thuận có tỉ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể, từ 27,66‰ xuống còn 2,1‰; dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị giảm xuống còn gần một nửa so với năm 2019, từ 45,61‰ xuống 22,78‰... Đặc biệt, một số tỉnh không còn trẻ em chết dưới 1 tuổi. Đáng chú ý, dân tộc Giáy ở Yên Bái năm 2019 là một trong 7 dân tộc có tỉ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi trên 33,2‰ thì đến năm 2023 không còn trẻ chết dưới 1 tuổi...

Thách thức trong nâng cao chất lượng dân số

IMR ở nhiều dân tộc giảm cho thấy hiệu quả của những chính sách trực tiếp can thiệp nhằm cải thiện chất lượng dân số cũng như các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2019 đến nay, được triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, theo phân tích của Ủy ban Dân tộc trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026-2030", việc cải thiện chất lượng dân số từ IMR có sự tăng giảm không đồng đều giữa các địa phương với nhau; giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cùng một tỉnh.

Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi- Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc Raglay ở Ninh Thuận - Ảnh: VGP

Như tại Yên Bái, so sánh số liệu năm 2019 và năm 2023, dân tộc Khơ mú, Giáy không còn trẻ chết dưới 1 tuổi; nhưng dân tộc Mông lại có tỉ lệ tăng từ 20,35‰ lên 37,05‰. Còn tại Đắk Nông, trong số 8 dân tộc khó khăn (Mạ, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Sán Chay, Mông, Mnông) thì 6 dân tộc Mạ, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Sán Chay không còn trẻ em chết dưới 1 tuổi, nhưng dân tộc Mông tăng nhẹ từ 5,01‰ lên 5,98‰.

Đặc biệt, IMR của một số dân tộc tại một vài tỉnh có chiều hướng tăng so với năm 2019, như: Dân tộc La Chí tại Hà Giang tăng từ 8,33‰ lên 18,2‰; dân tộc La Hủ tại Lai Châu tăng từ 22,36‰ lên 42,12‰... Thậm chí, IMR của một số dân tộc ở một số tỉnh có sự gia tăng mạnh, như: Khơ mú tại Nghệ An từ 3,89‰ lên 44,95‰; dân tộc Ê Đê tại Phú Yên từ 22,66‰ lên 27,59‰; dân tộc Kháng tại Sơn La từ 28,57‰ lên 44,25‰; dân tộc Tày ở Gia Lai từ 40,82‰ lên 95,24‰.

Cùng với IMR, chỉ số tỉ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) ở những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống còn rất đáng lo ngại. Chỉ số IMR cũng như U5MR đều phản ánh điều kiện chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên, trong khi IMR liên quan nhiều đến điều kiện thai sản của bà mẹ thì U5MR chủ yếu phản ánh về tình trạng dinh dưỡng và phòng, chữa bệnh cho trẻ em.

Theo kết quả Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, tại thời điểm điều tra (tháng 4/2024), U5MR bình quân cả nước là 16,9‰, thì khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 18,5‰; của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 24,4‰; Tây Nguyên là 26,7‰.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy, vùng đồng bào DTTS và miền núi đang là "vùng trũng" về chất lượng dân số, đặc biệt là ở các dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Mức độ cấp bách về thực trạng dân số ở những dân tộc này đã được "phác họa" rất rõ trong Chương trình "Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021-2030", phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

TIN LIÊN QUANChính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiThời gian hưởng hỗ trợ BHYT đối với người dân tộc thiểu sốNâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núiNâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Theo đó, nhiều chỉ số đáng quan ngại về chất lượng dân số của các nhóm DTTS này đã được xác lập, như: Tuổi thọ trung bình của DTTS rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước; tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) cũng rất thấp (chiều cao trung bình là 1m40-1m55, cân nặng trung bình 40-45 kg)…

Ngoài những yếu tố chủ quan (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thói quen sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe chưa khoa học...) thì chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thấp còn xuất phát từ nguyên nhân do kinh tế - xã hội còn khó khăn; người dân chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe... Trong khi đó, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng hiện hệ thống y tế cơ sở ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, việc nhận diện những "điểm nghẽn" trong hệ thống y tế cơ sở ở địa bàn này có ý nghĩa then chốt để có những giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Chương trình "Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định số 499/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc. Từ năm 2021, Chương trình được tích hợp vào Chương trình MTQG 1719.

Bài 2: Nhận diện 'điểm nghẽn' trong hệ thống y tế cơ sở

Sơn Hào