Nghệ An đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Admin

Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra vào sáng nay (10/7), ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tỉnh Nghệ An đã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nghệ An đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm- Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ảnh: Hà Hằng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%) và cao hơn bình quân cả nước (6,42%).

Thu ngân sách ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán, bằng 140,2% so với cùng kỳ năm 2023; Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.078,8 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán.

Về sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,03%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,06% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, lượng khách du lịch ước đạt 5,48 triệu lượt, tăng 11,84% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực, có 40 dự án cấp mới và 86 lượt dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 21.253 tỷ đồng.

Nghệ An đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm- Ảnh 2.

Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: T.C.

Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân 3.496,5 tỷ đồng, đạt 38,52% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ 32,37%; trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã đạt tỷ lệ giải ngân 36%.

Khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản 6 tháng đề ra. Cơ cấu thu ngân sách chưa thật sự bền vững. Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm. Tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn còn chậm. Việc giải quyết nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Bùi Thanh An cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Các cấp, các ngành tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm để tập trung thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu, đúng tiến độ, chất lượng; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gắn với rà soát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, rà soát các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực; Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổ chức công tác thu ngân sách hiệu quả; điều hành chi ngân sách chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư.

Quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra ở mức cao nhất.