Trà sen từ xa xưa đã là một phẩm trà quý, thấm đẫm hồn Việt, chinh phục, mê hoặc biết bao thế hệ trà nhân Việt. Sen kết hợp với trà tạo nên một sự đồng điệu, sen nhập vào trà kéo trà lên, trà đưa sen lên đỉnh cao của hương vị.
Mảnh đất Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ. Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép có hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp. Chẳng phải ngẫu nhiên, sen hồ Tây ở vị trí "thượng đẳng" mà sen các vùng khác khó sánh bằng, vì sen hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.
Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay. Hiện nay, tại Quảng An có nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nghề ướp trà sen. Quy trình làm trà sen khô cũng lắm công phu, từ khâu nguyên liệu, rửa trà, tách gạo sen, ướp trà, sấy trà, đóng gói và bảo quản.
Trà nguyên liệu dùng để ướp sen bông thường là trà nõn tôm. Sau khi trà được ướp một lần với gạo sen, trà được cho vào bông sen với định lượng mỗi bông khoảng 15 gram. Công việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỉ mỉ của người làm trà.
Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen bách hợp để tôn vinh giá trị sen hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây. Việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui để Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ.