Nghỉ trước tuổi, mừng và lo

Admin
Chủ trương tinh giản biên chế đang đi vào thực tiễn với những tín hiệu rất đáng mừng. Qua đây mới thấy, quả là lâu nay chúng ta “thừa thãi” biên chế quá. Như có lần một lãnh đạo cấp cao nói, có tới mấy chục phần trăm công chức xách ô đi xách ô về, không có họ công việc vẫn như thế.

Thế nên việc tổng bí thư Tô Lâm đề ra chủ trương tinh giản đã được sự đồng thuận rất cao từ trên xuống dưới, từ trong Đảng tới từng người dân.

Và thực tế những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin nhiều tỉnh thành đang tiến hành việc sáp nhập và tinh giản, và rất nhiều cán bộ, cả cán bộ cấp thường vụ tỉnh ủy, xin nghỉ trước tuổi để tổ chức dễ sắp xếp bộ máy.

Nhưng không phải sự xin nghỉ nào cũng đáng mừng.

Bởi từng đã có người cảnh báo: khéo mà những người giỏi sẽ nghỉ, cả tự nguyện và bắt buộc, còn những người làng nhàng, nhẽ ra cần nghỉ thì lại ngồi lại.

Người tự nguyện, thì ngoài những người sắp tới tuổi nghỉ, lại được có chế độ đảm bảo để nghỉ thì họ nghỉ là đúng. Nhưng cũng có người giỏi, nghỉ để đi làm ở môi trường khác, thoải mái hơn và được trọng dụng hơn. Tất nhiên, môi trường nào cũng là để phục vụ đất nước (trừ số ít ra nước ngoài làm việc, chứ làm cho nước ngoài trong nước thì vẫn là cho đất nước), nhưng như thế, người ngồi lại thế chỗ sẽ chưa chắc đã bằng người nghỉ. Mà sáp nhập và tinh giản thì những người còn lại để làm việc phải là tinh túy, cả tinh thần và chuyên môn. Và cũng tất nhiên, họ cần được đãi ngộ xứng đáng với việc làm của họ.

Thì cũng có những người giỏi bị bắt buộc nghỉ, họ giỏi, nên không dễ bảo, hay phản biện, không hợp guồng, bị bao vây, cô lập, nhất là khi bỏ phiếu, thế là phải nghỉ. Việc này đòi hỏi cấp trên phải công tâm và cũng... giỏi nữa, để không bỏ lọt người tài. Nhưng quả là cũng khó nếu chỉ căn cứ vào việc bỏ phiếu bình bầu.

Tôi quen một anh thạc sĩ trưởng phòng của một sở Văn hóa một tỉnh Tây Nguyên. Anh này rất giỏi, giỏi hơn rất nhiều trong mặt bằng chung cán bộ hiện nay. Giỏi ngoại ngữ và cả... nội ngữ (là tiếng dân tộc bản địa địa bàn anh làm việc, có thể ăn ở cả tháng với bà con. Tiếng Anh thì anh dịch được cho cả đoàn nghệ nhân Tây Nguyên ra nước ngoài mà anh là trưởng đoàn). Chuyên môn thì anh là người rất am hiểu văn hóa Tây Nguyên, tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu sưu tầm văn hóa Tây Nguyên có giá trị vân vân. Và, anh cũng vừa đệ đơn xin nghỉ việc.

Khá tiếc nếu anh "được" nghỉ, nhưng rõ ràng việc làm của anh nó phù hợp với chủ trương tinh giản hiện nay nên cũng khó giữ được anh nếu anh vẫn quyết tâm nghỉ.

Nghỉ trước tuổi, mừng và lo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mới đây, một tờ báo đưa tin: "Một sở có 27 công chức, viên chức, người lao động xin nghỉ trước tuổi để tinh gọn bộ máy", sở này là sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa. Giật mình là bởi như thế là nhiều quá, và trong 27 người ấy, có ai là "được" nghỉ, ai là "bị" nghỉ. Nhưng đọc đến đoạn sau thì tôi thở phào: "Được biết, hiện nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa có 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 12 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, với tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có 707 người, gồm: 72 công chức, 386 viên chức và 249 hợp đồng lao động".

Tôi, một người cũng làm trong bộ máy nhà nước từ khi tốt nghiệp đại học tới lúc về hưu, tức cũng hiểu biết về bộ máy, về biên chế cơ quan nhà nước, nhưng cũng bất ngờ với số lượng người ăn lương của một sở đông như vậy. Nó nhiều quá, và như thế 27 công chức viên chức và người lao động kia vẫn chỉ là con số rất nhỏ trong hơn 700 người của sở LĐTBXH Thanh Hóa. 

Và khi sáp nhập với sở Nội vụ thì con số sẽ là bao nhiêu? Và như thế, càng khẳng định chủ trương tinh giản và sáp nhập là hết sức đúng, và cũng không thể chậm trễ.

Từng có thời công chức viên chức phía Bắc tới cơ quan, bật máy tính xong... pha trà uống, các nhân viên trẻ, mới, luôn được đảm nhiệm chân pha trà sáng, tới thành chuyên nghiệp. Còn phía Nam, động tác bật máy tính cũng như thế, nhưng khác là đa phần kéo nhau ra quán cà phê (nếu chưa ăn sáng còn đi ăn sáng đã). 

Vậy nên mới có chuyện lâu lâu chủ tịch tỉnh nào đó lệnh cho sở Nội vụ kết hợp với Đài Truyền hình địa phương tập kích các quán cà phê "tóm sống" cán bộ nhân viên nhà nước đang có trong quán thay vì phòng làm việc, khiến các công chức viên chức đang ngồi ở đấy chạy tán loạn, rất phản cảm và nhếch nhác. 

Nhưng rồi đâu lại cũng vào đấy, quân ta cả, xấu chàng hổ ai. Lên tới chủ tịch tỉnh thì có cái nhắc nhở phê bình, còn đa phần là nằm trong camera, và sau vài cuộc gặp nhau, cũng có khi tại quán cà phê, thì băng được xóa, "trời đất Lai Tân vẫn thái bình" như một câu thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.

Thì ngay ông Dương Văn An, cựu bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi bị kỷ luật đã kịp có một so sánh mà một tờ báo dẫn lại: "Để tránh lo ngại "giữ lại Lý Thông mà bỏ qua Thạch Sanh", ông An cho rằng cần bám tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được ban hành, sau đó đánh giá trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ để chọn người phù hợp. Quá trình đánh giá phải lắng nghe nhiều chiều, nhiều nguồn và chắt lọc thông tin, quan trọng nhất là sự tín nhiệm của tập thể".

Và chúng ta hy vọng, tin tưởng cuộc sáp nhập và tinh giản này sẽ thành công, chỉ còn những Thạch Sanh ở lại. Và tất nhiên, tôi cho rằng, không phải tất cả những người nghỉ để tinh giản đều là Lý Thông.

Và tôi cũng mong, những người nghỉ ấy, ngoài số tiền chế độ nhà nước cấp, họ cũng sẽ tìm được những công việc phù hợp với mình, với chuyên môn của mình. Khi được tuyển dụng họ đều là những người có bằng cấp, có chuyên môn, và giờ, họ tiếp tục sử dụng nó, vừa cho mình, vừa cho xã hội.

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cử tri mong đợi sớm có hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quảCử tri mong đợi sớm có hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả