Nghiên cứu kéo dài 5 năm với sự tham gia của một trăm tình nguyện viên cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi. Khi bắt đầu thử nghiệm, 88 người trong số họ không có bất kỳ dấu hiệu nào của chứng mất trí nhớ, số còn lại mắc các chứng suy giảm nhận thức khác nhau.
Để nghiên cứu thời lượng và chất lượng giấc ngủ của những người tham gia, các chuyên gia đã sử dụng phương pháp ghi điện não. Họ cố định các điện cực đặc biệt trên đầu các đối tượng, để đo trạng thái nghỉ ngơi và thư giãn trong khoảng thời gian từ bốn đến sáu đêm.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tính đến độ tuổi và di truyền của các tình nguyện viên, cũng như sự hiện diện của các chất lắng đọng của protein tau và beta-amyloid có liên quan đến bệnh Alzheimer. Sau khi kiểm tra dữ liệu, các chuyên gia phát hiện ra cả thiếu ngủ (ít hơn 4,5 giờ) và ngủ quá nhiều (hơn 6,5 giờ) đều ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng nhận thức của não.
Các chuyên gia Đại học Boston (Mỹ) cũng cảnh báo những người ngủ quá nhiều hoặc thường xuyên thiếu ngủ cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi trong 10 năm tới.
Theo đó, sự thay đổi trong các hoạt động ngủ đóng vai trò cảnh báo sớm đối với bệnh Alzheimer, vì nó chứng tỏ bộ não, vốn có chức năng kiểm soát sự tỉnh táo, đã bị tổn hại. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người ngủ quá nhiều có khối lượng não nhỏ hơn bình thường, khiến nhóm này phải mất nhiều thời gian so với người khác trong việc xử lý thông tin cuộc sống.
Theo báo cáo trên chuyên san Neurology, nhóm chuyên gia nêu rõ: “Ngủ có thể đóng vai trò làm hồi phục chức năng, loại bỏ chất thải trong quá trình trao đổi chất khỏi não và ngăn chăn việc tích tụ các (protein) B-amyloid, một dấu hiệu chứng tỏ bệnh nhân đã mắc Alzheimer. Mặt khác, những tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây hao mòn các vùng não có liên quan đến hoạt động ngủ và tỉnh thức, hoặc là hậu quả của tình trạng rối loạn tâm trạng, vốn thường xuất hiện ở những người mất trí nhớ”.
NGUYỆT PHAN