Ngược ngàn mưu sinh

Admin
Khi những hạt cà phê trên rẫy lưa thưa hạt đỏ cũng là lúc những người dân vùng đồng bằng khăn gói đồ đạc ngược lên Tây Nguyên mưu sinh.

Tây Nguyên mùa "quả ngọt"

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ vào độ đầu tháng 10, khi những cây cà phê trên rẫy bắt đầu lưa thưa hạt đỏ cũng là lúc người dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam khăn gói ngược lên Tây Nguyên để hái cà phê.

Từng đoàn xe máy nối dài, trên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, một nhóm người dân từ tỉnh Bình Đỉnh lên Gia Lai hái cà phê với hy vọng kiếm thêm chút thu nhập dịp cuối năm để lo cho Tết cổ truyền đang cận kề.

Trong đoàn, theo quan sát của chúng tôi có những cặp vợ chồng già tóc đã bạc, bên cạnh là nhiều cặp vợ chồng trẻ có người chở thêm cả con nhỏ.

Thông thường mỗi nhóm sẽ đi từ 10 đến 15 người đến ăn ở tại rẫy để hái cà phê cho chủ như đã giao ước từ trước.

Sáng sớm tiết trời se lạnh, chúng tôi ngược về huyện Ia Grai nơi được xem là thủ phủ cà phê của tỉnh Gia Lai.

Tại vườn rẫy cà phê xã Ia Hrung, trao đổi với chúng tôi, anh Ksor Sai, SN 1997, trú phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời điểm này là cuối vụ, có nhiều gia đình đã thu hái xong, chỉ còn lác đác một vài hộ do thuê không được người. Bởi thời gian vào vụ nhà nhà thu hái cà phê nên xảy ra tình trạng “khát” nhân công, nhiều người “đỏ mắt” tìm thuê không có”.

Theo anh Sai, vợ chồng anh có 2 sào lúa và một ít rẫy mì. Tuy nhiên, vì đất đai cằn cỗi, cuộc sống khá khó khăn nên năm nào 2 vợ chồng cũng lên Ia Grai hái cà phê thuê.

Dân sinh - Ngược ngàn mưu sinh

Người dân từ nhiều tỉnh thành về "thủ phủ" cà phê huyện Ia Grai hái cà phê.

Lau giọt mồ hồi trên trán, chị Nay Hieng, vợ anh Sai tâm sự: “Bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê cũng là lúc bà con ở các huyện đồng bằng xong vụ lúa nên nhàn rỗi, ai thuê gì làm nấy. Vợ chồng mình chọn lên huyện Ia Grai ở lại dài ngày hái cà phê thuê.

Năm nào cũng vậy, 2 vợ chồng tranh thủ lên sớm hái bói cho một số nhà vườn, rồi mới vào vụ hái chính. Hai vợ chồng cũng thắt chặt chi tiêu, ăn uống đạm bạc để dành dụm tiền về lo cho gia đình và sắm sửa Tết. Nhờ vậy, mỗi vụ cà phê 2 vợ chồng cũng gom góp được từ 25 - 28 triệu đồng”.

Nhọc nhằn mưu sinh 

Tại rẫy cà phê cạnh đó, một người đàn ông ngồi tít trên ngọn cây cà phê vừa hái miếng nghêu ngao hát. Dưới gốc, người phụ nữ cặm cụi trải bạt hứng những hạt cà phê rơi xuống.

Vẻ mặt yêu đời, anh Trần Văn Lâm, ngụ tỉnh Bình Định phấn khởi: “Vụ cà phê năm nay vợ chồng mình rủ 5 người khác là họ hàng, hàng xóm lên huyện Ia Grai thu hái cà phê. Chủ vườn đã bố trí một căn nhà rẫy rộng khoảng 40m2 cho cả nhóm ăn ở, làm việc. Tiền công sẽ được trả theo năng suất mà 6 người hái trong một ngày. Vụ mùa năm nay, giá đã tăng từ 80.000 đồng/tạ lên 100.000 - 110.000 đồng/tạ.

Vì là hái khoán, tiền tính theo năng suất nên cả nhóm ai cũng tranh thủ đi làm thật sớm và nghỉ thật muộn. Năm nay, giá khoán tăng lên thêm vài chục nghìn nhưng đổi lại chi phí xăng xe, ăn uống tăng mạnh. Trung bình, mỗi người đi hái cà phê cũng thu về được khoảng 500.000 đồng/ngày/người”.

Dân sinh - Ngược ngàn mưu sinh (Hình 2).

Bữa cơm đạm bạc của những công nhân hái cà phê.

Một ngày cứ thế trôi qua, trời bắt đầu tối dần cũng là lúc những tốp công nhân khăn khói dụng cụ, đồ đạc trở về nhà rẫy.

Dưới ánh điện lập loè, họ chia nhau mỗi người một việc chuẩn bị nấu cơm tối. Trong căn chòi tạm bợ, bữa cơm đạm bạc, nồi canh rau khói bốc nghi ngút, đĩa trứng chiên, vài con cá khô, họ vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả.

Phần lớn những người đến hái cà phê thuê ở tỉnh Gia Lai đều là những người nghèo khó. Họ muốn tìm được một công việc có thu nhập để nuôi sống gia đình, trang trải cho cái Tết đang tới gần.

Nhìn những bàn tay trầy xước rướm máu vì lao động, những đôi bao tay rách nát và những vết trầy xước trên mặt những người lao động này, mới thấy công việc thu hái cà phê cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Nhưng vì cuộc sống gia đình, vì những đứa con đang chờ những bộ quần áo mới, một cái Tết no ấm hơn khiến họ quên đi tất cả những khó khăn vất vả ấy, vẫn vui vẻ, cười nói và hăng say làm việc.

Vài ngày nữa kết thúc mùa vụ cà phê, nhóm công nhân ai nấy hồ hởi có thêm chút tiền lận lưng khăn gói trở về quê đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: “Giá cà phê năm nay dao động 41 đến 42 nghìn đồng/kg cà phê nhân. Trung bình người dân thu hoạch được 3,2-3,4 tấn nhân/ha. Với sản lượng mức giá hiện nay người dân phấn khởi”.