Người phụ nữ góp sức bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới

Admin
(PNTĐ) - Cô Bontle Cindy Mothogaathobogwe đến từ Botswana (châu Phi) là một trong nhiều phụ nữ có nhiều đóng góp trong bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới và phá bỏ định kiến về phụ nữ nơi đây.

Đồng bằng Okavango là vùng đồng bằng lớn nhất tại Botswana với diện tích 7.770 km2. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp tuyệt sắc mà còn là nơi sinh sống của hàng ngàn loài động thực vật hoang dã, quý hiếm. Đồng bằng Okavango được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 2014. Với những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, nơi đây ngày càng thu hút đông du khách.

Cô Cindy thuộc bộ tộc Bayei bản địa đến từ Maun, ven đồng bằng sông Okavango. Bộ tộc của cô đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa về săn bắt trộm, cũng như các hành động gây tổn hại đến di sản thế giới, giúp duy trì việc bảo tồn 264 loài động vật có vú, 157 loài bò sát và 540 loài chim cũng như quần thể voi lớn nhất thế giới ở khu vực này.

Người phụ nữ góp sức bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới - ảnh 1
Cô Bontle Cindy Mothogaathobogwe (giữa) đang làm công việc chèo thuyền mokoro. Ảnh: AP

Ở Botswana có một định kiến rằng phụ nữ không thích hợp cho ngành du lịch. Điều này được lý giải rằng, hướng dẫn viên là một công việc ngoài trời, đòi hỏi thể lực tốt, chưa kể điều kiện làm việc xa xôi, khiến phụ nữ "không làm tròn chức trách chăm sóc gia đình"...

Để phá bỏ định kiến, Cindy đã tham gia vào "Chương trình trao quyền cho phụ nữ Ker và Downey" - một phong trào đang phát triển ở châu Phi nhằm trao quyền cho phụ nữ. Cô trở thành người chèo thuyền độc mộc mokoro - phương tiện di chuyển phổ biến trong khu vực. "Ngày trước, phụ nữ thường lấy mokoro để đi nhặt cỏ làm vật liệu xây dựng. Bây giờ, điều đó đã thay đổi, phụ nữ cũng tham gia đưa khách du lịch vào vùng đồng bằng trên những chiếc mokoro", cô nói.

Cindy đã làm công việc này được 3 năm. Cô nhớ lại: "Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì đây là công việc của đàn ông. Sau đó, tôi nghĩ mình cần phải thay đổi và làm gương cho những người phụ nữ khác để chứng tỏ rằng phụ nữ cũng có thể làm được mọi thứ, chỉ cần họ có niềm đam mê, sự tự tin và yêu thích những gì bản thân đang làm". Cindy học chèo thuyền mokoro từ khi còn là một đứa trẻ vì đây là phương tiện giao thông duy nhất trong cộng đồng của cô.

Việc có một phụ nữ chèo thuyền mokoro ở Okavango đã khiến du khách thích thú và người dân địa phương ngưỡng mộ. "Cộng đồng rất ấn tượng với nghề nghiệp của tôi. Tôi có thể tự tin nói rằng, bản thân mình chính là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác. Sau mỗi hành trình, khi tôi quay trở về, họ (những phụ nữ địa phương-pv) đều rất vui và động viên: “Làm tốt lắm, Cindy. Hãy tiếp tục!”, cô chia sẻ.

Không chỉ vậy, trong thời đại của những câu chuyện về trao quyền cho phụ nữ ngày càng được quan tâm, việc có một phụ nữ làm hướng dẫn viên cũng đem lại sự thoải mái và tự tin cho du khách, đặc biệt là các nữ du khách độc thân. Cô cho biết từng gặp rất nhiều trường hợp du khách nữ cảm thấy không thoải mái khi hầu hết hướng dẫn viên đều là nam giới. Họ muốn đi cùng hướng dẫn viên nữ để có được cảm giác an toàn, cũng như có thể thoải mái chuyện trò. Khi nghe tin có hướng dẫn viên nữ ở đây, du khách thường rất phấn khởi và hỏi: “Chúng tôi có thể đi cùng Cindy được không? Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Việc ngày càng có nhiều việc làm cho phụ nữ đã tạo ra những tác động rất tích cực đến cộng đồng địa phương: Không chỉ cải thiện phúc lợi, tăng cường sự ổn định kinh tế cho các hộ gia đình, mà còn tăng cơ hội giáo dục cho trẻ em, cũng như tinh thần chung của cộng đồng. Và những phụ nữ như Cindy tiếp tục là "viên ngọc quý", không chỉ thu hút du khách, góp phần quảng bá văn hoá di sản, mà còn truyền cảm hứng và phá bỏ rào cản, nâng cao giá trị cũng như tăng cường quyền năng cho phụ nữ địa phương.