Ca ghép phổi thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn
Vừa qua, vào ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024, GS. Lê Ngọc Thành đã thực hiện một ca ghép phổi kéo dài 12 tiếng. Ca ghép phổi này được đánh giá là thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF (Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ).
Chia sẻ về ca phẫu thuật này, GS. Lê Ngọc Thành cho biết, đây là ca phẫu thuật phổi cho một nữ bệnh nhân 21 tuổi là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Kạn. Khi đang là sinh viên của một trường đại học, bệnh nhân phải bỏ học giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối.
Bệnh lý của bệnh nhân là u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Đây là một bệnh hiếm gặp, khiến tình trạng người bệnh rất nặng, có khả năng tử vong nếu không được ghép phổi sớm.
Là người tham gia trực tiếp phẫu thuật với tư cách trưởng nhóm chỉ đạo ca mổ, GS Lê Ngọc Thành chia sẻ: "Từ lâu lắm gia đình tôi mới hòa mình trong không khí của sự kiện phẫu thuật cấp cứu khó như vậy, lại đúng đêm 29 và ngày 30 tết, nhưng với lòng đam mê, yêu nghề và mong mỏi phục hồi sự sống cho bệnh nhân trẻ, sự tin tưởng, ủng hộ của gia đình và đặc biệt là ý thức được sự mong mỏi thực hiện ghép phổi tại bệnh viện của Bệnh viện Phổi Trung ương. Chính vì vậy, đêm 29 Tết Nguyên đán, tôi cùng ekip chuyên gia hội chẩn thâu đêm và trực tiếp tham gia từ khâu đầu tiên hội chẩn, lấy phổi ghép, mổ, đến khâu cuối cùng là săn sóc, theo dõi bệnh nhân sau ca mổ".
Chia sẻ thêm vì sao không để các học trò của thầy cũng là chuyên gia giỏi về phẫu thuật mà thầy phải trực tiếp tham gia mổ từ đầu đến cuối, GS. Thành bày tỏ, "sở dĩ tôi trực tiếp làm việc này, một là vì tâm huyết của cá nhân, hai nữa là tôi thấu hiểu sự mong mỏi lớn biết nhường nào của Bệnh viện Phổi với sự kiện này. Với lòng yêu nghề và quyết tâm làm điều này và tôi không muốn có bất kỳ một chút sơ sẩy nào xảy ra. Trong ca ghép phổi này, việc cắt bỏ lá phổi cũ đi là vô cùng khó khăn, vì bệnh bẩm sinh đã nhiều lần có biến chứng, đã can thiệp nhiều lần ở các tuyến... do vậy chỉ cần sơ sẩy chút như chảy máu là ảnh hưởng hết cả quá trình và nguy hiểm ngay tính mạng bệnh nhân. Vậy nên, tôi hy vọng để các học trò hiểu, nắm rõ được quá trình và học hỏi từ người thầy của mình qua những bài học kinh nghiệm thực tiễn này nhiều hơn nữa".
Nói về thành công của ca mổ ghép phổi, GS Lê Ngọc Thành cũng chia sẻ thêm, sự thành công của cuộc phẫu thuật còn nhờ có sự chuẩn bị tốt (người nhận – Bệnh viện Phổi và người cho phổi – Bệnh viện 108), cùng sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của các đơn vị cơ sở y tế cùng đoàn chuyên gia.
Bày tỏ niềm hạnh phúc khi cứu sống kỳ tích được bệnh nhân trẻ, GS. Lê Ngọc Thành khiêm nhường chia sẻ, bác sĩ chỉ cần thêm chút niềm tin về khả năng chuyên môn, sự đồng lòng của các đơn vị liên quan và đặc biệt là mong ước, kỳ vọng, tin tưởng của bệnh nhân, và gia đình người bệnh, cộng hưởng với sự may mắn của bệnh nhân sẽ làm nên một sự sống. Việc bệnh nhân Bắc Kạn ghép phổi thành công đó cũng là sự may mắn của cô bé dân tộc thiểu số khi được gặp thầy gặp thuốc".
Qua ca phẫu thuật thành công này, GS. Lê Ngọc Thành cũng mong muốn, trong thời gian tới, nền y học nước nhà không cần "trăm hoa đua nở" mà cần có quy hoạch cụ thể, tập trung đầu tư chuyên sâu cho từng lĩnh vực cả về kỹ thuật, cơ sở vật chất, hạ tầng, con người, và chỉ đạo, động viên, sự phối hợp giữa các chuyên gia giỏi tại các chuyên khoa khác nhau.
GS. Lê Ngọc Thành đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo để Việt Nam có quy hoạch chi tiết sâu về lĩnh vực ghép tạng ở từng cơ sở để đảm bảo tỷ lệ thành công, chất lượng cuộc sống sau ghép và tránh lãng phí nguồn lực tài chính, nhân lực.
Sự thành công của các ca ghép phổi cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của Ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.
Cho đến nay đã được 2 tuần, bệnh nhân đang phục hồi khá tốt. Trung tâm ghép phổi UCSF cũng đánh giá đây là một sự phục hồi cao theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Và thực sự, sự hồi phục của bệnh nhân là một kỳ tích.
Vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo
GS. TS Lê Ngọc Thành tốt nghiệp đại học ngành Bác sĩ đa khoa Ngoại Sản năm 1984; Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Ngoại năm 1987; Tiến sĩ năm 2001 tại Trường ĐH Y Hà Nội. Ông được trao tặng nhiều phần thưởng trong đó có Nhân tài đất Việt, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Y học năm 2015, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2017.
GS.TS Lê Ngọc Thành đã từng trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý như: Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, Giám đốc Bệnh việ E, hiện nay ông đang là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật viên Tim mạch Lồng ngực châu Á; Tổng biên tập Tạp chí Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Sức khỏe - một trong các Hội đồng chuyên môn của ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Được biết, tới khi làm Giám đốc bệnh viện E Hà Nội, một trong những mục tiêu lớn của bác sĩ Thành là đưa Bệnh viện E trở thành cơ sở thực hành chính của Trường Đại học Y Hà Nội. Đồng thời, thầy cũng động viên tất cả các bác sĩ của bệnh viện đi học thêm để nâng cao kiến thức, trình độ.
"Vì theo quan điểm của tôi, học là một nhu cầu chính đáng, chỉ sợ người ta không học. Học cho giỏi, đảm bảo kiến thức chuyên môn của mình thì mới có thể trở thành một bác sĩ giỏi.
Riêng với ngành y, nếu người học thực sự yêu nghề, học hành bài bản và phát triển tốt thành những bác sĩ giỏi thì không ai nghèo từ thu nhập chính đáng cả. Bởi đây là một ngành nghề mà xã hội rất cần và tôn trọng, cơ hội việc làm còn lớn.
Mà khi đã trở thành một bác sĩ giỏi, thì thường sẽ gắn với công tác giảng dạy để "truyền nghề" cho các thế hệ học trò kế cận. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, nghề y và nghề giáo luôn có sự gắn liền với nhau, tuy hai mà một.
Người vừa làm thầy giáo, vừa làm thầy thuốc, bên cạnh việc có học trò bình thường, còn có cả bệnh nhân", Giáo sư Lê Ngọc Thành chia sẻ tâm tư.
Chính vì lẽ đó, mà cơ duyên cống hiến trong ngày giáo dục của Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành cũng đến rất tự nhiên. Năm 2018, khi ĐH Quốc gia Hà Nội có lời mời gửi đến ông về làm chủ nhiệm Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy đã kiêm nhiệm và có nhiều hơn cơ hội gắn bó với cả hai nghề.
Trường Đại học Y Dược là trường Đại học thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập theo quyết định 1666/QĐ-TTg ngày 27/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài dựa vào nghiên cứu, trên nền tảng khoa học cơ bản vững chắc, công nghệ cao và kinh tế-xã hội mũi nhọn, đóng góp tích cực trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học y, dược ở Việt Nam, trường xác định mục tiêu phát triển thành trường đại học định hướng nghiên cứu, thuộc nhóm đại học tiên tiến trong khu vực, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền khoa học sức khỏe của đất nước.
Hiện nay, Trường Đại học Y Dược đã thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao là các chuyên gia, các bác sĩ giỏi từ các cơ sở y tế hàng đầu của Việt Nam tham gia trực tiếp hoặc kiêm nhiệm vào việc điều hành, đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.
Cũng vì đam mê công tác giáo dục, mong muốn tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, thầy Thành luôn tạo điều kiện tối đa để người học được học, và các thầy cô, bác sĩ có trình độ cao được cống hiến, truyền đạt kinh nghiệm.
Với thầy Thành, tiêu chí đầu tiên để đánh giá một người học trò là tính trung thực và chịu khó. Đây là hai tiêu chí mà nghe qua rất bình thường, nhưng sẽ là hai tiêu chí theo người bác sĩ suốt cả đời người. Đặc biệt khi đối tượng của các bác sĩ là con người, một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người.
GS. TS Lê Ngọc Thành chia sẻ: "Hy vọng sau những năm tháng thực hành, cống hiến cho khám chữa bệnh, giờ chuyển sang môi trường giáo dục đại học, tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt nhất để có thể kết hợp được giữa viện và trường, giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành; tránh lãng phí chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao; và động viên được nhiều bác sĩ trẻ đi học, nâng cao trình độ".
Bày tỏ niềm vui khi gắn bó với cả hai nghề, GS. Lê Ngọc Thành cho biết với ông, thành công nhất là có thể truyền tải được cho học trò cách thăm khám, chuẩn đoán bệnh một cách chính xác, an toàn.
Bên cạnh đó, thầy Thành cho biết thêm: "Sau một quá trình làm nghề, đến nay, đã có nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn của Hà Nội đã về tham gia nghiên cứu, giảng dạy, và giữ các trọng trách quan trọng tại cơ sở giáo dục nơi tôi đang làm hiệu trưởng, giúp Trường đại học Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội có một đội ngũ cán bộ, giảng viên rất mạnh chuyên môn".
GS.TS Lê Ngọc Thành kỳ vọng các bác sĩ, dược sĩ trưởng thành từ Trường Đại học Y Dược sẽ có khả năng nghiên cứu như những cán bộ nghiên cứu khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội. "Tôi muốn có một môi trường đào tạo trong ngành y mà các em sinh viên y dược có thể hội nhập trong nước và quốc tế được. Muốn vậy ngoại ngữ phải giỏi", thầy Thành nhấn mạnh.
Với nghề giáo, GS. Lê Ngọc Thành đã truyền nghề bằng đam mê và cả trách nhiệm, trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy, tập hợp đội ngũ cán bộ y - dược giỏi làm việc cho trường.
Với ngành y, GS. Thành mong muốn Việt Nam sẽ sớm có được những cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo những điều kiện lý tưởng nhất trong khám chữa bệnh cả về trình độ chuyên môn của các y bác sĩ và chất lượng dịch vụ, ngang tầm chất lượng thế giới.
Điều này sẽ giúp người bệnh được khám chữa bệnh trong một môi trường tốt nhất, chuyên nghiệp, tiện nghi nhất.
Phương Liên