Người Việt đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về mua sắm online: Tạo đà cho doanh nghiệp vươn ra thế giới

Admin
Trong năm 2022 số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD.

Vừa qua, Công ty bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van đã công bố Báo cáo nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu với số lượng mua hàng trực tuyến trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm.

Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.

Theo báo cáo của Ninja Van, trong năm 2022 số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD.

Có 73% đáp viên cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.

Trong Báo cáo Nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, Ninja Van Group cũng cho thấy 89% đáp viên từ 6 quốc gia quan tâm đến công ty vận chuyển hàng hóa khi mua sắm trực tuyến. Hơn 50% phản hồi từ những người mua hàng đã phản ánh tầm quan trọng của việc nhận biết thương hiệu của một công ty vận chuyển để họ chủ động chọn nhà cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo một trải nghiệm giao-nhận hàng tốt và có cung cấp bảo hiểm.

Tại thị trường Việt Nam, Ninja Van Việt Nam đang vận chuyển 300.000 đơn hàng mỗi ngày từ các cửa hàng kinh doanh online, doanh nghiệp lớn và nhỏ tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong hai năm qua, số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng đáng kể, đạt khoảng 70 triệu người tính đến thời điểm hiện tại. Trên quy mô khu vực, 70% tổng dân số ở Đông Nam Á đã bắt đầu mua sắm trực tuyến trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á dự kiến tăng đến con số 380 triệu trước năm 2026.

Cùng thời điểm này Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025

Ông Phan Xuân Dũng, giám đốc kinh doanh của Ninja Van Việt Nam, nhận xét: "Chúng tôi tin rằng thị trường Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng nhờ sự tăng trưởng bền vững và rõ nét trong những năm gần đây".

Các chỉ số của báo cáo từ phía Ninja Van Group đều thể hiện tiềm năng của hoạt động kinh doanh xuyên biên giới đang trên đà phát triển mạnh tại Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, do những thách thức đến từ cổng thanh toán, logistics, quy định và luật pháp, nhiều cửa hàng kinh doanh Việt Nam vẫn chưa tham gia hoạt động này..

Sắp diễn ra chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN

Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN là sự kiện thường niên của khu vực ASEAN được tổ chức vào ngày 8/8 do các nước trong khu vực đồng tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử giữa các quốc gia trong ASEAN, đặc biệt chú trọng đến các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sự kiện thường niên được kỳ vọng mang đến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tại các quốc gia ASEAN có một môi trường mua sắm, kinh doanh trực tuyến an toàn, lành mạnh với những sản phẩm chất lượng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương vừa thông tin việc chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN mùa 3 – “ASEAN Online Sale Day” 2022 chính thức khởi động, nhận đăng ký trực tuyến của các doanh nghiệp trên trang web của chương trình tại địa chỉ onlineasean.com.

Chương trình ASEAN Online Sale Day năm nay sẽ do Campuchia - Chủ tịch năm ASEAN 2022 cùng Singapore và Việt Nam đồng chủ trì, tổ chức.

“ASEAN Online Sale Day” 2022 dự kiến tiếp tục có 2 nhóm hoạt động chính gồm mua sắm thương mại điện tử trong nước và mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong thời gian diễn ra chương trình, người tiêu dùng của Việt Nam hay các nước ASEAN có thể mua sắm trên nền tảng số của các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng cho sự kiện “ASEAN Online Sale Day” 2022.

Đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh, sự kiện “ASEAN Online Sale Day” hướng tới mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, góp phần thực thi Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử; mang đến môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch và tham gia vào các FTA (Hiệp định thương mại tự do – PV) thế hệ mới, chương trình “ASEAN Online Sale Day” 2022 sẽ là bước đi quan trọng để khối ASEAN thể hiện sự đoàn kết, đẩy mạnh tiềm năng phát triển thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến, tiếp cận những chính sách mới thuận lợi, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và quốc gia.

Hương Anh (tổng hợp)