Nguy cơ dân số âm khi người trẻ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con

Admin
(PNTĐ) - Mặc dù các cơ quan chức năng liên quan đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là sinh đủ 2 con, song thực tế tổng tỉ suất sinh ở nước ta những năm gần đây đang có xu hướng giảm dần. Điều này đặt ra nhiều lo ngại trong tương lai như già hoá dân số tăng nhanh, thiếu hụt nguồn lao động cho xã hội…

Bố mẹ lo lắng, con cứ… dửng dưng

Trong khi với nhiều người trẻ hiện nay, độ tuổi từ 22 - 30 là quãng thời gian “vàng” để tập trung phấn đấu trong công việc, học tập thêm nhiều kỹ năng mới và hưởng thụ cuộc sống bằng cách đi du lịch và “thờ ơ” với hôn nhân, thì bố mẹ lại lo lắng, đứng ngồi không yên. Trên mạng xã hội thời gian gần đây, nhiều cha mẹ đã công khai đăng tin “rao bán”, tuyển dâu rể cho con mình. Như mới đây, hình ảnh một chàng trai được mẹ chụp cùng 1 tấm poster đặt ngay trước cửa “rao bán” con trai với lời quảng cáo vừa nhiệt tình vừa hài hước: “Đẹp trai, chịu khó làm ăn, yêu trẻ con, không chơi đêm vì sợ ma…” khiến dân mạng hào hứng.

Nguy cơ dân số âm khi người trẻ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con - ảnh 1
Xu hướng giảm mức sinh phân theo thành thị, nông thôn.

Để dễ dàng tăng tương tác, người mẹ còn ghi rõ số điện thoại của mình cho các ứng cử viên liên hệ. Hoặc một người mẹ đăng tuyển con rể ở Hải Phòng với “ưu đãi” vô cùng hấp dẫn đi kèm để tặng ứng viên trúng tuyển, gồm: 2 lô đất và 2 tỉ tiền mặt và khoảng 5 cây vàng 4 số 9… Có thể những thông báo kén rể, chọn dâu cho con này chỉ là khoảnh khắc vui vẻ hài hước của các bậc phụ huynh, nhưng việc con cái kết hôn muộn đang trở thành nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh là có thật.

Có rất nhiều lý do được các bạn trẻ đưa ra biện minh cho việc kết hôn muộn là vấn đề tài chính, chưa chuẩn bị tâm lí, ngại đỗ vỡ... Hồ Mây, hiện đang làm việc tại một cơ quan truyền thông, năm nay đã 35 tuổi nhưng chưa kết hôn. Hồ Mây cho biết trước đây, cô dành thời gian cho sự nghiệp, học tập và đi du lịch với bạn bè nên “xao nhãng” chuyện kết hôn. Đến khi ngoảnh lại thì bạn bè đã lập gia đình hết. “Tuổi càng cao, tôi càng kỹ tính hơn trong lựa chọn bạn đời phù hợp, nên tìm kiếm ý trung nhân cũng rất khó khăn” - Mây nói. Còn Thu Dung, 27 tuổi, đang tìm kiếm cơ hội du học lại cho rằng, hôn nhân là cần thiết nhưng không quá quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Sự tự do và thành đạt là tiêu chí của cô. “Tôi muốn chuẩn bị đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần để có được cuộc hôn nhân sung túc và lâu dài” - cô nói.

Theo số liệu ước tính, tổng tỉ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.

Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Cả nước hiện chỉ còn vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao. Thực tế, trong 3 năm qua, mức sinh trung bình của 21 tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số địa phương có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. 

Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết tại Lễ Tổng kết công tác dân số năm 2023, theo ước tính, năm 2023 mức sinh của TP.HCM  là 1,27 con/phụ nữ, rất thấp; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con. Các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao tiếp tục biến động khó lường. Hiện chỉ còn 4 địa phương trong nhóm 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế (năm 2020) giữ vững kết quả, gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.   

Tỷ lệ tăng dân số Việt Nam có nguy cơ về âm

Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm. Ông Mai Trung Sơn cho rằng, trong bối cảnh suy giảm dân số toàn cầu, nếu nước ta duy trì vững chắc mức sinh thay thế sẽ ổn định quy mô dân số trên 100 triệu dân. Nếu không duy trì được và giảm sinh thì Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.

Nguy cơ dân số âm khi người trẻ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con - ảnh 2
Mức sinh thấp sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ mai sau (Ảnh minh họa).

Theo ông Sơn, mức sinh không phải là câu chuyện “đẻ ít đẻ nhiều” mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.

Do đó, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Việc hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con cũng là nội dung cần thí điểm, theo Cục Dân số.

Trả lời báo chí gần đây,  Ths. Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội lo ngại, ở Hà Nội, mặc dù tổng tỷ suất sinh (TFR) vẫn đang duy trì ở mức sinh thay thế, tuy nhiên có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Theo tính toán của Chi cục Dân số Hà Nội, TFR của Hà Nội giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2023 đang giảm từ 2,1 (năm 2020); 2,05 (năm 2021); 2,05 (năm 2022) và 2,06 (năm 2023). Năm 2024 đang phấn đấu 2.08.

“Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này một phần là do áp lực kinh tế. Người phụ nữ hiện đại thường tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, bận rộn nhiều công việc nên không muốn sinh nhiều. Ngoài ra, thống kê hàng năm thì đều cho thấy, tỉ lệ vô sinh ngày càng xuất hiện nhiều. Tuổi kết hôn ngày càng tăng…” - Ths Thanh Thúy nói.

Theo Chi cục phó Chi cục dân số Hà Nội, để duy trì tổng tỉ suất sinh, Thành phố và ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là sinh đủ 2 hai con. Bên cạnh đó, mỗi người dân, hộ gia đình, và các bạn trẻ ở độ tuổi kết hôn cần xác định và nhận thức rõ, đây còn là trách nhiệm của mình với gia đình và với xã hội.

Mặc dù quyết định kết hôn, sinh con là điều của các cặp đôi, thế nhưng các chuyên gia cũng khuyên rằng, các bạn trẻ nên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con, sinh đủ hai con trước tuổi 35. Mặc dù không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc gia đình nhưng con cái là phần vô cùng quan trọng không thể thiếu của mỗi cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Việc không sinh con còn gây lên hệ quả lớn sau này là già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai…