Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ

Admin
(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) – cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, thành lập năm 1986, cùng với phong trào “Đổi mới” của đất nước, Báo đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Nhà báo Đinh Quốc Bảo từ một sỹ quan trẻ có hơn 10 năm quân ngũ, là đảng viên trẻ của quân đội chuyển về, thuộc thế hệ phóng viên đầu tiên của Báo PNTĐ.
Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ - ảnh 1
Nhà báo Đinh Quốc Bảo (ngoài cùng bên trái) và tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp Báo PNTĐ vinh dự được gặp phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.H

Nhà báo Quốc Bảo sinh năm 1954, là anh cả trong 6 anh em có ông cụ thân sinh là nhà giáo thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Sinh ra trong thời chiến, nhà có 4 anh em trai trong gia đình thì 3 anh lớn đều nhập ngũ, em trai thứ 4 ở lại quê cùng bố mẹ già và 2 em gái út là giáo viên.

Anh  là một người sống hết sức vui vẻ, hòa đồng, thương yêu mọi người, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, nỗ lực làm bất cứ công việc gì khi được phân công. Đặc biệt anh có giọng cười trong trẻo, vang xa.

Ai gặp Quốc Bảo cũng sẽ nhớ mãi cái điệu đi đá chân sáo, rất vui vẻ hồn nhiên. Trong những năm tháng bao cấp vô cùng thiếu thốn khó khăn, gạo muối đều phải mua bằng tem phiếu, anh Bảo chuyển từ Quân đội ra dân sự, không có chỗ ở, đã có đêm phải ra ghế đá công viên ngủ, rồi bị kẻ trộm lột mất đôi giày da quý giá anh mang từ quân đội ra, nhưng anh không hé cho ai ở cơ quan biết. Anh chưa bao giờ phàn nàn về cuộc sống khó khăn, anh không bao giờ trách móc, chê trách, “nói xấu” một người nào. Cứ như trong đôi mắt của anh mọi người đều tốt đẹp, và anh không nhìn thấy bất cứ ai có cái gì xấu hoặc chưa tốt.

Mãi sau này, câu chuyện “ngày đi làm tòa báo oai như cóc (vì cóc là cậu ông Trời), tối ra ngủ công viên” của anh Bảo mới lộ ra, khi chúng tôi thấy anh được cụ Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội kiêm Tổng biên tập Báo PNTĐ Phương Kim Dung quyết định cho anh Bảo được ngủ lại trong phòng “khách sạn” của cơ quan (Trong trụ sở của Hội có mấy phòng để khi các CB Hội ở huyện xa về họp, cái thời đi lại toàn xe đạp và xe khách hầu như cửa sổ xe đã vỡ hết kính, có thể ngủ lại qua đêm).

Công việc của 1 tờ báo in vừa ra đời trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn về kinh tế thời bao cấp, đúng nghĩa đen “Cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, nhưng CB-PV Báo PNTĐ, từ “các cụ bô lão” Chủ tịch Hội LHPN Thủ đô Hà Nội Phương Kim Dung kiêm Tổng biên tập, lão Nhà báo-Nhà văn Lý Thị Trung – Trưởng Ban Biên tập, rồi lão Nhà báo Lê Thị Túy (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên thuộc TW Đoàn) chuyển về làm Phó TBT rồi TBT Báo, rồi Nhà báo Nguyễn Thị Hường (Hương Huyền)-Phó Ban biên tập lên Phó Tổng biên tập (có giai đoạn chị là PTBT Phụ trách Báo), đến CB-PV trẻ chúng tôi đều hết lòng xả thân làm báo.

Nhờ đó Báo PNTĐ vừa ra đời đã trở nên vang dội do nhiều tác phẩm báo chí có uy tín, nhất là hàng loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn đọc. Mỗi kỳ Báo in ra, các xe ô tô của nhà máy IN Quân đội 1 chở Báo đến Tòa soạn, các đại lý phát hành tấp nập kín cả cái sân rộng ở trong lòng Hội LHPN TP Hà Nội đóng tại 72 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Hàng chục vạn bản báo mới in còn thơm mùi mực đã bay đi khắp mọi phố phường và ra các tỉnh ngoài. Các PV lúc trước cầm bút thì khi phát hành đều tự nguyện phấn khởi trở thành “công nhân khuân vác” để hỗ trợ bốc báo từ trên xe tải xuống, chia báo lên xe đạp, xe máy cho các đại lý đưa đến tay bạn đọc.

Kỳ báo nào của PNTĐ cũng có các bài báo gây chộn rộn ngay từ nhà in vì công nhân đọc trước truyền tai nhau, rồi đến các đại lý phát hành, cứ xôn xao bàn luận, thậm chí “tranh nhau” để lấy được báo trước, để sớm đưa bán ra thị trường.

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ - ảnh 2
Nhà báo Đinh Quốc Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp.

Ít ai biết rằng, để có được số báo in ra đẹp và chất lượng, vai trò họa sĩ trình bày (làm maket) kiêm phóng viên ảnh của nhà báo Đinh Quốc Bảo vô cùng quan trọng. Những năm 1980, chưa có công nghệ gì hiện đại cho nghề báo ngoài cái máy đánh chữ và nhà in xếp từng con chữ chì để in báo.

Họa sĩ Quốc Bảo đọc tất cả các bài báo được lãnh đạo duyệt, xem nội dung gì cần đặt trang nào, đặt vị trí nào, bài cần ảnh minh họa, anh sẽ vác máy ảnh đi chụp. Bài nào cần phải đặt họa sĩ vẽ tranh minh họa thì anh phải đặt hàng, sau đó anh lấy một tập giấy khổ A3 với bút chì, thước và tẩy, bắt đầu công đoạn đo vẽ kích thước, chia cột cho số lượng chữ, cho ảnh, ghép lại thành bài báo, thành trang báo và thành 1 tờ báo với 8 trang, sau này tăng lên 12 trang, 16 trang, 20 trang, kèm theo đó là mấy chục trang in quảng cáo.

Để khi in ra, đến tay bạn đọc, tờ báo PNTĐ có đến 30-40 trang dày dặn, cung cấp lượng thông tin ngồn ngộn, để các bà, các chị đọc rồi còn có thể cắt ra từng bài báo mình thích, lưu trữ dùng để tuyên truyền cho hội viên hoặc sử dụng về sau...

Nhờ “nghề” họa sĩ trình bày kiêm PV ảnh nên anh Quốc Bảo có rất nhiều cộng tác viên. Anh cũng đã kết nối được với nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh nổi tiếng như Trần Thành Công, Khắc Hường, GS Vương Học Báo, Đỗ Dũng...

Sang những năm 2000, khi công nghệ báo in đã vượt trội, công nghệ trình bày maket báo cũng đã có hệ thống máy tính với các chương trình cài đặt sẵn, các họa sĩ trẻ được đào tạo CNTT thay thế. Nhà báo Đinh Quốc Bảo được tòa soạn điều động qua chuyên sâu PV ảnh và viết tin bài.

Với tính cách cởi mở, dễ gần của anh Bộ đội Cụ Hồ, anh được Ban biên tập phân công làm PV mảng công tác Hội Phụ nữ. Anh lại chụp ảnh đẹp, chu đáo, tận tụy, nên anh cứ đến cấp Hội Phụ nữ quận, huyện, phường, xã nào, các cán bộ Hội đều yêu quý, thân thiết với anh như người nhà.

Anh chụp ảnh hội nghị, Đại hội Phụ nữ các cấp, rồi đi in, phóng cỡ to, đem đi tặng là chính, dù đồng lương PV lúc trẻ rất bèo bọt, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ - ảnh 3
Nhà báo Đinh Quốc Bảo (ngoài cùng bên trái) trong buổi giao lưu với Nhà in Quân đội nhân dân..
 

Chuyện anh họa sĩ làm maket báo chuyển qua viết báo đã là khó, không ngờ anh Quốc Bảo lại có “hoa tay” viết bài. Các tin, bài về công tác Hội của anh luôn được các cấp Hội yêu thích. Anh còn gây bất ngờ khi phát hiện các đề tài người tốt việc tốt. Bút lực của anh thực sự gây xúc động trong nhiều tác phẩm báo chí. Vì vậy, anh đã giành được nhiều giải Báo chí viết về người tốt việc tốt. 

Anh Bảo còn có “duyên” khi viết về các hoàn cảnh phụ nữ - trẻ em gặp hoạn nạn cần cộng đồng chung tay giúp đỡ, đăng trên chuyên mục từ thiện của Báo PNTĐ “Vì Phụ nữ - Trẻ em hoạn nạn”. Nhờ cây bút chân thực của anh mà các hoàn cảnh hoạn nạn được bạn đọc hỗ trợ đã kịp thời cứu sống người bệnh, hoặc chung tay giúp phụ nữ nghèo xây, sửa nhà dột nát…

Năm 2016, anh Bảo được nghỉ hưu sau 40 năm công tác, cống hiến, Nhà báo Quốc Bảo đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huy chương của Quân đội, của UBND TP Hà Nội, của Hội LHPN Trung ương và Hà Nội, giành nhiều giải thưởng báo chí các cấp.

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ - ảnh 4
Nhà báo Đinh Quốc Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp.

Thế mà trước Tết Giáp Thìn 2024, một tin không vui đến các thế hệ CB-PV Báo PNTĐ: Nhà báo Đinh Quốc Bảo nhập viện 103 cấp cứu vì bệnh hiểm nghèo. Ngày 28/4/2024, anh ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, vợ con, cháu nội ngoại, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà báo từ Ngọc Lang, nguyên PV Báo PNTĐ (nay là Phó Viện trưởng Viện Dưỡng Sinh Tâm Thể Việt Nam), bùi ngùi nói với tôi: Mình rất quý Quốc Bảo, một con người sống chân thành, thương yêu tất cả mọi người. Trong những năm là đồng nghiệp, Quốc Bảo rất có trách nhiệm, chu đáo, tận tình hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Bà Dương Thị Vịn (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội) đã 82 tuổi nhưng vẫn đi cùng anh chị em đồng nghiệp chúng tôi về quê Mỹ Đức trong ngày nắng nóng ngột ngạt tiễn đưa Nhà báo Quốc Bảo về đất mẹ. Bà bùi ngùi nói với tôi: “Cô rất thương tiếc! Quốc Bảo tốt lắm, sống tình cảm lắm cháu ạ!”. 

Con gái Nhà báo Quốc Bảo là Đinh Thu Thủy (cán bộ Báo PNTĐ), vô cùng xúc động đưa cho chúng tôi xem bức thư của bà Phương Kim Dung, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội kiêm Tổng biên tập Báo PNTĐ thời báo mới thành lập.

Bà Kim Dung nay đã 91 tuổi vẫn cầm bút tự tay viết những dòng thư nhắn gửi chị Thanh Vân (con gái cụ) đi thăm động viên anh Quốc Bảo: “Hà Nội, ngày 27/4/2024. Cháu Quốc Bảo thân mến! Hôm nay cô Dung mới biết tin cháu về nhà. Cô rất thương Bảo nhưng không thể làm gì được. Cô chỉ mong cho cháu khỏe lại. Cô rất tiếc không được đi thăm cháu, vì cô già rồi lại yếu nữa không đi thăm cháu được, vì đã 91 tuổi rồi. Mong cháu thông cảm cho cô nhé! Hôm nay, em Vân đến thăm cháu, cháu cố giữ sức khỏe để cô cháu mình gặp lại nhau nhé!”.

Nhà báo Đinh Quốc Bảo: Cây bút chuyên viết về phụ nữ đã về lòng đất mẹ - ảnh 5
Bức thư của bà Phương Kim Dung, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội kiêm Tổng biên tập Báo PNTĐ thời báo mới thành lập viết cho nhà báo Đinh Quốc Bảo trong thời gian anh bị bạo bệnh.

Xin mượn lời trong điếu văn của Đảng ủy xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, tại lễ truy điệu Nhà báo Đinh Quốc Bảo, để tiễn biệt anh về với đất mẹ.  “Với 71 năm cuộc đời, 42 năm tuổi Đảng, 48 năm công tác, nay đồng chí đã vĩnh viễn ra đi. Dù vẫn biết là quy luật của tạo hóa, song những tình cảm, nhân cách, trí tuệ và tấm gương của đồng chí mãi mãi để lại niềm tiếc thương vô hạn với tất cả chúng ta”.