Nhà báo Xuân Thuỷ - nhà ngoại giao kiệt xuất trên mặt trận báo chí

Admin
Là một nhà chính trị tài năng, đức độ, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo Xuân Thủy trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam còn là một nhà tổ chức báo chí giàu kinh nghiệm, một cây bút xuất sắc, người có công lao to lớn trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… Ông là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Xuân Thuỷ - nhà ngoại giao kiệt xuất trên mặt trận báo chí - ảnh 1
Ông Xuân Thủy (ngoài cùng bên trái) và bà Nguyễn Thị Bình đón Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh tại sân bay Paris. (Ảnh: tư liệu)

Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nay là phường Xuyên Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Bắt đầu những năm 1930, ông là đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội sớm được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, lý tưởng cách mạng vô sản. Ông tham gia các tổ chức yêu nước có chủ trương chống thực dân. Cũng chính từ đây, hoạt động cách mạng dùng vũ khí là ngòi bút để “phò chính trừ tà” của ông bắt đầu. Bút danh Xuân Thủy ra đời và gắn liền với sự nghiệp của một nhà báo cách mạng kiệt xuất từ đó.

Nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế và vũ khí báo chí trong đấu tranh ngoại giao
Tháng 7/1950, Đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki (Phần Lan) công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Từ tháng 5/1968, ông giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Theo nhà báo Nguyễn Thành Lê, cố vấn kiêm người phát ngôn của đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam lúc đó đã kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, trong đó có hình thức đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo.

Báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy dành trọn sự say mê và gắn bó nhất, cho đến giây phút cuối cùng. Chiều ngày 18/6/1985, ngay trước những trang bản thảo “Những chặng đường báo Cứu Quốc” dở dang trên bàn làm việc tại nhà riêng, ông đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội đã được gia đình ông nhường lại cho Hội LHPN Việt Nam để có một cơ ngơi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hôm nay.

Xuân Thủy rất thành công khi phát huy hiệu quả cả ba hình thức: Từ đấu tranh ở các phiên họp công khai; đấu tranh trong các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn các nhà báo và đấu tranh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương hồi tưởng lại: Đầu tháng 5/1958, Xuân Thủy nhận được quyết định đi Paris dự Hội nghị, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong lòng ông dậy lên biết bao suy nghĩ. Một mặt trận chiến đấu mới đã mở ra: Mặt trận ngoại giao mà Hội nghị Paris là tiêu điểm sẽ phối hợp cùng hai mặt trận quân sự và chính trị trong nước tạo ra thế và lực mới để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Theo nhà báo Hà Đăng, trong 5 năm Hội nghị Paris, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có duy nhất một trưởng đoàn đàm phán là Xuân Thủy. Trong khi đó, phía Mỹ liên tiếp 4 lần thay đổi trưởng đoàn. Tuy nhiên qua quá trình đàm phán, báo giới Pháp và các nước thời bấy giờ đều cho rằng Xuân Thủy đã lần lượt “hạ nốc ao” cả 4 đối thủ Hoa Kỳ. Ngoài việc đấu lý cực kỳ quyết liệt giữa hai bên, Xuân Thủy với phong cách đặc biệt đã tỏ rõ là một con người rất lịch sự, biết tôn trọng người đối thoại với mình và ngược lại, được đối thủ rất nể trọng.

Còn trong ký ức của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Paris thì Xuân Thủy là bậc thầy về ngoại giao. Bà kể, những lần chuẩn bị bài phát biểu quan trọng, bà đều nhờ ông xem lại, hướng dẫn lựa chọn từng chi tiết đắt. “Chúng tôi không chỉ học tập cách làm đầy trách nhiệm, có trí tuệ của ông, mà còn học cả lối sống giản dị, luôn nghĩ đến cái chung, đến lợi ích lâu dài của đất nước và nhân dân” - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tâm đắc.

Tại 248 phiên họp công khai của Hội nghị Paris, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy với lý lẽ đanh thép, kết hợp với thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo đã luôn dành thế chủ động và thuyết phục được các nhà quan sát. Bên lề hội nghị, chúng ta có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ, thường xuyên và không thường xuyên cùng hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn, Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp báo lớn và họp báo thứ năm hàng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn Mỹ, phương Tây và XHCN. Từ đó đã góp phần tích cực tạo ra “Mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới” rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ, góp phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Paris và đại thắng mùa xuân năm 1975.

Người sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam, mở trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Cuối năm 1939, ông bị bắt, bị kết án tù chính trị lần thứ 2, thời gian đầu bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Đầu năm 1940, ông bị đày lên nhà ngục Sơn La. Trong môi trường tù ngục Sơn La, ông đã cùng với những người bạn tù cộng sản đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với tờ Suối Reo. Tháng 5/1941, báo Suối Reo do ông phụ trách đã ra mắt “bạn đọc” trong lao tù đế quốc. Đây là tờ báo bí mật viết tay nhằm phản ánh đời sống sinh hoạt mọi mặt của tù chính trị, giáo dục tinh thần đấu tranh ngoài xã hội và trong nhà tù, bồi dưỡng, rèn luyện ý chí đạo đức cách mạng của người Cộng sản.

Đầu năm 1944, ông mãn hạn tù bị đưa về quản thúc tại làng Phương Canh, Hoài Đức (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau đó, ông tìm cách bắt liên lạc lại với tổ chức Đảng rồi trốn đi hoạt động bí mật. Ông được Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng trực thuộc giao cho phụ trách tờ báo Cứu Quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xuân Thủy, những người làm báo Cứu Quốc đã vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn và sự khủng bố khắc nghiệt của kẻ thù để ra báo đều đặn.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng”, Xuân Thủy là người tổ chức thành công Trường làm báo Huỳnh Thúc Kháng – cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của nước ta tại chiến khu Việt Bắc. Lớp học đầu tiên khai giảng vào ngày 4/4/1949, bế giảng ngày 6/7/1949. Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất, nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do ông sáng lập, phụ trách và là giảng viên chính đã đào tạo được nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như: Trần Kiên, Hải Như, Hữu Mai, Lý Thị Trung, Trần Vũ, Phạm Mai Cương… và để lại những kinh nghiệm quý báu cho các trường báo chí sau này.

Tháng 4/1950, nhà báo Xuân Thủy chủ trì thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Ông được bầu làm Hội trưởng, nhà báo Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Hòa bình lập lại, Đại hội lần thứ II vào năm 1959 đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên. Sau khi thống nhất đất nước, với cương vị là Bí thư Trung ương Đảng, vào ngày 7/7/1976, nhà báo Xuân Thủy chỉ đạo thống nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam, thành lập Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động trên cả nước như hiện nay.

Năm 2019, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.