Nhân "ánh ỏi" nghĩ về đọc thơ

Admin
Mạng xã hội và cả báo chí vừa "sôi" vì chữ "ánh ỏi" trong một bài thơ trong sách giáo khoa lớp 5.

Là có một cái nhóm trên mạng có tên là "Giáo viên Việt Nam" đưa lên bản chụp một bài học trong sách giáo khoa kèm lời "kêu cứu": "Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao? Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi"... Nó là bài thơ của nhà thơ Tô Hà, một nhà thơ rất kỹ tính khi làm thơ, có một số bài thơ được bạn đọc rất thích, vì nó tâm trạng, nó đầy cảm xúc, mà bài "Em về chiêm bao" là ví dụ.

Trở lại bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" trong sách giáo khoa, nó là bài thơ nhà thơ Tô Hà viết về một lớp học khiếm thính, từ lâu lắm rồi (1974). Và các nhà soạn sách giáo khoa có lý khi họ chọn bài thơ này để đưa vào sách giáo khoa, ngay trong phần hướng dẫn cũng có chơi trò chơi: Nghe từ ngữ, đoán âm thanh. Và quả là bài thơ này đầy âm thanh. Một ngữ liệu để các cháu học rất tốt, vừa học về thơ, vừa học về thế giới, cả hình ảnh, âm thanh, màu sắc và cảm xúc...

Các ý kiến cãi nhau có đúng có sai, nhưng đọc hết thì thấy, quả là, cái sự đọc văn bản thơ của một số người hiện nay đang có vấn đề.

Nó có một thực tế là, các ngành nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc chả hạn, muốn thưởng thức thì phải có một vốn tri thức nhất định, nôm na là phải học. Phim ảnh hầu như ít người học nên có vẻ ai cũng xem cũng bình, khen chê được.

Văn chương, nhất là thơ cũng thế.

Trong khi thực tế là, từ nhỏ chúng ta đã được học văn thơ, học chữ, nhưng để thưởng thức một văn bản thơ cho ra tấm ra món, thì qua cái cuộc cãi nhau từ bài học lớp 5 cụ thể này, nó bộc lộ nhiều điều đáng nói.

Rất nhiều người khẳng định là không có từ "ánh ỏi" trong thực tế, trong thơ càng không, mà không biết là, tới mấy nhà thơ tiền bối đã dùng, như Đoàn Văn Cừ (Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng), Xuân Diệu (Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui). Nhưng điều quan trọng hơn nữa là, một trong những sứ mệnh của nhà thơ là phải sáng tạo chữ, sáng tạo hình ảnh, hình tượng mới cho thơ. Và quả là, không cần tra từ điển thì cái từ ánh ỏi này nó rất hợp ngữ cảnh.

Thêm nữa, nhiều người kêu rằng phàm đã là thơ thì phải... vần. Tôi đã thử post trong facebook của mình một bài thơ của tôi, không phải sáu tám nhưng không trúc trắc lắm, vẫn có giai điệu, nhưng bị một số bạn sổ toẹt: không phải thơ. Trong bài có vài từ của riêng tôi, như "Ân oán gì mà nắng cứ mưng mưng", chữ mưng mưng rất mới, của riêng tôi, và câu "tôi mênh lên như tiếng buồm ngược nước", cũng bị vặn, buồm thì ngược gió chứ sao lại ngược nước, và nữa, mênh là gì? Rồi còn câu: "Hoa gạo đỏ mộc miên bến vắng" bị vặn là đã gạo sao còn mộc miên, mà không biết rằng, tôi đã cố gắng đầu tư để một mà lại hai, hoa gạo là danh từ nhưng mộc miên trong câu thơ đã là động từ, vân vân...

Cũng không hẳn là chúng ta không dạy thưởng thức thơ. Thì ngay bài thơ của Tô Hà đưa vào sách giáo khoa là để dạy cho học trò thưởng thức thơ đấy chứ ạ. Nhưng học trò chưa kịp học thì người lớn đã... la làng hộ.

Cái chính là, người ta đã hiểu/ cảm thơ như một văn bản chữ thông thường.

Cho đến bây giờ, lý giải một cách thấu đáo thế nào là thơ cũng đang vẫn chưa rốt ráo, vẫn mỗi người một phách, và đấy là điều... đúng, bởi nghĩ cho cùng, thơ chính là những gì bí ẩn trong tâm hồn, vì nó bí ẩn nên mỗi người có một cách giải mã để đến với nó khi có nhu cầu, cả ý thức và vô thức. Thậm chí có nhà thơ còn bảo, những câu thơ hay là của... giời cho, giời làm, thi thoảng được một câu như vậy là quý lắm.

Thơ không chỉ để hiểu mà còn phải cảm, và chính cái cảm này nó mới nâng tầm tác phẩm thơ, và nó mới đủ để hiểu thơ. Và tất nhiên, để cảm nhận được bài thơ nó cần nhiều yếu tố.

Hình như chúng ta đang hiểu thơ một cách rất cơ học, xẻ ra đầu mình tứ chi để nghiên cứu, để xét nét...

Có một sự thật là lâu nay chúng ta đã đơn giản hóa thơ, bình dân hóa thơ, nhưng lại cũng trao cho thơ nhiều trách nhiệm nặng nề, khiến cho thơ, tưởng như ai cũng có thể làm được, ai cũng có chìa khóa để mở, một chìa khóa chung, một password chung. Và tâm lý nửa thần thánh thơ, nửa coi thường thơ xuất hiện từ đây.

Thơ bình dân đến mức ai cũng có thể làm thơ, cũng thành nhà thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ai cũng có thể bình thơ, cũng thủ cho mình dăm bài thơ mình thích để khi cần thì ngâm hoặc đọc, một cách bày tỏ chính kiến, chí khí. Nhưng thơ cũng bí hiểm khiến cho nhiều thi nhân sống liêng biêng như đang ở... thế giới khác, như người cõi trên, nhiều bài thơ, câu thơ chỉ người viết may ra mới biết mình... nói gì...

Cách thưởng thức thơ cũng muôn hình vạn trạng. Một thời chúng ta muốn "hiểu" thơ, muốn mổ bài thơ như mổ một vật thể, như chẻ củi, như giặt áo. Và ngay cách giảng văn trong trường phổ thông tồn tại mấy chục năm qua cũng là tìm đại ý chủ đề bài thơ, chia đoạn (bố cục) bài thơ, tìm hiểu nội dung từng đoạn, rồi là kết luận nó nói gì, đề cao cái gì, tố cáo ai (giảng bình)... lối dạy văn, học văn cứ bó khuôn như thế nên khi đọc bài thơ người ta cứ phải đi tìm xem nó có đủ các thứ "tính" không. Có người tổng kết bình văn thơ cứ "yêu căm chiến lạc" mà giã là đố trật.

Thì nhân có vụ cãi nhau "ánh ỏi" mà tôi bàn thêm một chút về cái sự đọc của một nhóm công chúng hiện nay. Và chợt nhớ, thôi rồi, hình như nó có từ thói quen đọc... văn mẫu. Chính văn mẫu đã bóp chết cảm xúc khi đọc các tác phẩm văn chương, văn mẫu đã khiến người ta đồng phục đọc, đồng phục cảm xúc, đồng phục hiểu, đồng phục thấy gì... lạ là la làng lên, trong khi nó chả hề lạ gì, như bài thơ có "ánh ỏi" của nhà thơ Tô Hà đã tồn tại 50 năm qua, và trước đấy nữa thì các cụ Đoàn Văn Cừ và Xuân Diệu cũng đã dùng rồi...

Và thơ không vần, cụ Nguyễn Đình Thi đã dùng cũng từ tám hoánh rồi, ví dụ:

"Nào đồng chí – bắt tay/

Em/

Bóng nhỏ/

Đường lầy"

(Không nói).

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả