Nhân lực bền vững - tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện

Admin
(Chinhphu.vn) – Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được tại doanh nghiệp, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc.
Nhân lực bền vững - tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện- Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi về thúc đẩy việc làm hạnh phúc trong doanh nghiệp theo ESG - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đây là quan điểm được chia sẻ tại Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ "S" trong ESG? (Môi trường- Xã hội- Quản trị) do báo tổ chức ngày 30/10.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ cũng chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, bảo đảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, và giải quyết tranh chấp lao động, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và cơ hội việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và tôn trọng sự đa dạng. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tăng cường đối thoại với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Là một trong 4 diễn giả có chuyên môn, kinh nghiệm về ESG ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, chia sẻ về việc xây dựng chiến lược nhân sự tập trung vào ESG.

Ông Việt cho biết, dưới áp lực từ thị trường và yêu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 sẽ hoàn toàn tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh và mô hình sản xuất tuần hoàn.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực giá cả, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt đơn hàng, khó khăn về nguồn nhân lực và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm giá rẻ trên các sàn giao dịch điện tử từ nước ngoài.

Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà doanh nghiệp mang lại

Để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh, việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang trở thành "kim chỉ nam" cho các doanh nghiệp trong ngành.

"Thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh và thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thu hút và giữ chân nhân tài. Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG. Trong lĩnh vực dệt may, nơi lực lượng lao động đông đảo và đa thế hệ, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc", ông Việt nói.

Đề cập đến bối cảnh Việt Nam bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai trên toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp và nhà nước phải có các chính sách ứng phó để bảo vệ người lao động và duy trì bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Tác động của toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với việc làm và công việc có chất lượng. Việt Nam cần tăng cường hội nhập quốc tế và đẩy mạnh cải cách trong nước, qua đó tiến xa hơn trong thúc đẩy công việc hiệu quả và bền vững", bà Ingrid Christensen khuyến nghị.

Trả lời câu hỏi về việc thực hiện ESG trong doanh nghiệp Việt Nam, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đánh giá, việc thực hành chữ "S" trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc.

Ông Minh lấy ví dụ trong những doanh nghiệp lớn thu hút người tài bằng cách quan tâm đến đào tạo, tạo cơ hội phát triển cho người lao động. Như một tập đoàn lớn về công nghệ hỗ trợ thêm đào tạo cho con em, đẩy mạnh chính sách tăng cường gắn bó nhân viên giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm đi, tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá chính sách về môi trường, lao động mới, nhiều địa phương cũng chưa nắm được. Khi nằm trong danh sách kiểm kê lao động, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến nhân lực bền vững. Tại các địa phương, ông Minh cho rằng cần có những hỗ trợ về vốn giúp thúc đẩy phát triển nhân lực bền vững.

Cùng nói về cách thực hành chữ "S" trong doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - chia sẻ: "Tôi từng vào trụ sở của các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới, thấy không gian làm việc của họ rất tuyệt vời với đồ ăn và cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thư giãn miễn phí dành cho nhân viên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chỉ các doanh nghiệp lớn mới thực hiện được những hoạt động quan tâm, chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những cách thức riêng, rất linh hoạt, phong phú".

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng có những cách quan tâm đến nhân viên rất tinh tế. Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ trường hợp một nhà máy bánh kẹo ở Bình Dương với quy mô vừa phải, nhưng ở đó treo những bức ảnh tôn vinh người lao động có thâm niên. Tôn trọng người lao động là một văn hóa cần phát huy.

Hay tại một nhà máy khác tại Trà Vinh, nhà ăn dành cho công nhân lao động rất sạch sẽ, là nơi thoáng đẹp, tiện nghi nhất trong công ty.

"Như vậy, mỗi doanh nghiệp dù to hay nhỏ, nếu đã quan tâm đến người lao động bằng cái tâm của mình thì có rất nhiều cách để biểu thị. Tôi cho rằng, việc đầu tư cho chữ ‘S’, cho nhân lực trong từng doanh nghiệp cần bắt nguồn từ những hoạt động thực tế và giản đơn như vậy". 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG để đáp ứng ‘chuyển đổi xanh’Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG để đáp ứng ‘chuyển đổi xanh’
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ngành ngân hàng vượt thách thức để tiên phong thực thi ESGNgành ngân hàng vượt thách thức để tiên phong thực thi ESG